Trong những năm gần đây, hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó việc chuyển đổi những chiếc xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel sang xe buýt điện như một giải pháp giao thông văn minh, thân thiện với môi trường và ngày càng nhận được sự yêu mến từ người dân Thủ đô.
Giải pháp giao thông xanh
Xe buýt điện là loại phương tiện vận hành hoàn toàn bằng năng lượng điện. Các nghiên cứu cho thấy, xe buýt điện giúp giảm phát thải khí carbon và metan ra môi trường, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, một vấn đề nan giải tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội, sử dụng xe buýt điện giúp giảm đáng kể việc phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường. Tính toán từ “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố” cho thấy, số CO2 phát thải giảm được khoảng 170.480 tấn CO2/năm khi sử dụng xe buýt điện thay vì sử dụng xe buýt diesel như hiện nay.
Hơn nữa, chi phí nhiên liệu cho xe buýt năng lượng sạch thấp hơn so với phương tiện chạy dầu diesel. Xe buýt điện không chỉ tiêu thụ ít năng lượng hơn so với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong, giúp chi phí vòng đời thấp hơn mà còn cho hiệu suất sử dụng cao hơn. Xe buýt điện có độ tin cậy lớn và tuổi thọ cao, chi phí bảo trì rất ít so với động cơ và bộ truyền động diesel.
Bên cạnh đó, với đặc tính hoạt động êm ái, xe buýt điện giảm thiểu tiếng ồn đáng kể so với xe buýt chạy bằng dầu diesel truyền thống, mang lại trải nghiệm di chuyển dễ chịu hơn cho hành khách.
Thiện cảm của người dân đối với xe buýt điện
Tính đến hết năm 2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 10 tuyến xe buýt điện hoạt động với 143 xe buýt điện lớn.
Trong năm 2025, thành phố đã đưa vào hoạt động thêm 4 tuyến xe buýt điện (chuyển từ phương tiện diesel sang xe buýt điện) từ giữa tháng 01/2025 với 66 xe buýt điện trung bình và nhỏ, nâng tổng số tuyến xe buýt điện đến thời điểm hiện nay là 14 tuyến với 209 xe với đủ cả các sức chứa, lớn, trung bình và nhỏ (143 xe buýt điện lớn, 55 xe buýt điện trung bình và 11 xe buýt điện nhỏ).
Từ khi được đưa vào hoạt động, 4 tuyến xe buýt điện mới này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. Nhiều hành khách đánh giá cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là sự sạch sẽ, rộng rãi và văn minh của phương tiện này.
Bà Võ Xuân Hương (quận Thanh Trì, Hà Nội) cảm thấy rất hài lòng với chuyến đi trên tuyến xe buýt điện.
Là một người gắn bó nhiều năm với xe buýt công cộng, bà Võ Xuân Hương (quận Thanh Trì, Hà Nội) cảm thấy rất hài lòng với chuyến đi trên tuyến xe buýt điện số 39 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Bà Hương bày tỏ: “Tôi cảm thấy xe buýt điện quá tuyệt vời, cảm giác thoải mái như ngồi xe của nhà. Xe buýt mới sạch sẽ, êm ái, ngồi rất thích”.
Theo bà Hương, phương tiện công cộng rất an toàn cho người sử dụng, nhất là những người cao tuổi. Với người có lịch trình công việc, di chuyển phù hợp với các tuyến xe buýt công cộng hay các phương tiện giao thông công cộng khác, sẽ giúp người dùng đi lại hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.
“Tôi mong muốn thành phố Hà Nội có thêm nhiều tuyến xe buýt điện như thế này để thu hút được thêm nhiều người đi xe buýt. Như vậy sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông”. Bà Hương chia sẻ.
Cũng đồng quan điểm, bạn Nguyễn Thúy Thanh (Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy đi xe buýt điện văn minh hơn, an toàn hơn. Xe buýt điện không bị rung lắc quá mạnh như xe buýt chạy bằng động cơ đốt trong. Xe buýt chạy bằng dầu diesel tiếng máy rất ồn và nhất là mùi nhiên liệu làm cho tôi rất dễ bị say xe. Tôi mong muốn có thêm nhiều tuyến xe buýt điện ở Hà Nội để có thể sử dụng di chuyển đi khắp thành phố.”
Ngoài ra, nhiều người dân cũng bày tỏ sự hài lòng với thái độ phục vụ chuyên nghiệp của đội ngũ lái xe và nhân viên bán vé. Họ luôn sẵn sàng hỗ trợ hành khách, đặc biệt là người già, trẻ em và người khuyết tật.
Những khó khăn và giải pháp trong quá trình chuyển đổi xe buýt điện
Dù được đánh giá cao, việc chuyển đổi xe buýt điện vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định, đặc biệt là về mặt chi phí đầu tư và cơ chế chính sách hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên VTV Times, Ông Thái Hồ Phương - Giám Đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, một trong những rào cản lớn nhất của việc chuyển đổi sang xe buýt điện là chi phí đầu tư phương tiện. Giá thành của xe buýt điện cao hơn từ 2 đến 3 lần so với xe buýt sử dụng động cơ diesel. Điều này tạo áp lực lớn lên nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp.
Bên cạnh chi phí mua sắm phương tiện, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với gánh nặng tài chính từ việc đầu tư vào hạ tầng hỗ trợ. Việc xây dựng các trạm sạc, trạm biến áp, hệ thống điều khiển và cung cấp điện tại các depot cũng là áp lực không nhỏ cho các đơn vị vận hành. “Hiện nay, mới chỉ có bộ định mức, đơn giá xe buýt điện lớn. Chưa có định mức, đơn giá xe buýt điện trung bình và nhỏ, do đó chưa đủ cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ bằng xe buýt điện trung bình và nhỏ”, ông Phương cho hay.
Ông Phương thông tin thêm, việc chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ chi phí lãi vay mua mới phương tiện sạch (xe buýt điện, xe buýt xanh), đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (trạm sạc điện, trạm nạp năng lượng, depot, bãi đỗ xe,..) theo Nghị Quyết số 07 của Hội đồng nhân dân Thành phố dẫn đến hiện nay một số đơn vị chưa tiếp cận được chính sách này.
Để khắc phục những khó khăn trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải - chuyên gia nghiên cứu về giao thông cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp, như cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào xe buýt điện, đồng thời giảm lãi suất vay ngân hàng để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn”.
“Một yếu tố quan trọng khác là việc xây dựng mạng lưới trạm sạc pin cho xe buýt điện. Thành phố cần ưu tiên quỹ đất để xây dựng các trạm sạc và điểm đỗ xe. Do việc lắp đặt trạm sạc đòi hỏi không gian, chính quyền nên có chính sách miễn hoặc giảm chi phí thuê đất cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hệ thống sạc, đáp ứng nhu cầu vận hành xe buýt điện”. Ông Thủy chia sẻ.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt điện nhiều hơn. Việc đưa ra các chính sách ưu đãi hợp lý sẽ giúp thay đổi thói quen di chuyển, giảm tình trạng sử dụng xe máy, ô tô cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông và cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Xe buýt điện đang từng bước thay đổi diện mạo giao thông công cộng tại Hà Nội, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho môi trường và đời sống người dân. Với những phản hồi tích cực từ cộng đồng, có thể thấy rằng xe buýt điện đang ngày càng chiếm được thiện cảm và trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giao thông của Thủ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!