Tại tiểu khu 614, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm – nơi xảy ra vụ việc, hình ảnh hàng loạt cây thông ba lá vàng úa, chết đứng giữa đại ngàn thật sự là một cảnh tượng đau lòng. Những lỗ khoan sâu trên thân cây – bằng chứng của hành vi đầu độc có chủ đích – vẫn còn đó.
Khu vực thông có dấu hiệu hạ độc là rừng thông 3 lá lâu năm và có đường kính lớn.
Theo ghi nhận ban đầu của lực lượng kiểm lâm, tổng khối lượng gỗ thiệt hại lên đến 290m³, và toàn bộ khu rừng đang đứng trước nguy cơ biến mất. theo kết quả khám nghiệm hiện trường thì diện tích rừng bị khoan nghi đổ hóa chất 23.298m2. Theo ông Hoàng Văn Hải, Hạt phó hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Qua công tác tuần tra của lực lượng kiểm lâm và doanh nghiệp thì phát hiện hiện tượng cây vàng lá, kiểm tra và phát hiện cây bị khoan và nghi đổ hóa chất. Sau khi phát hiện vào ngày 14 thì hạt đã chủ động cùng với lực lượng liên quan của huyện tổ chức khám nghiệm hiện trường và kiểm tra là 174 cây. Sau khi kết thúc thì cũng đã báo cáo với chính quyền địa phương, Sở, Chi cục kiểm lâm. Và sở cũng đã cử chi cục bảo vệ xuống để xem có chữa được các cây này hay không."
Theo ghi nhận thực tế cùng với lực lượng kiểm lâm thì những cây thông này đã khô lá và không thể cứu chữa được nữa và hầu như sẽ chết đứng. Những cây thông này có tuổi đời hàng chục năm, và đóng vai trò quan trọng trong việc giữ đất, giữ nước, điều hòa khí hậu và bảo vệ môi trường. Mất đi những cánh rừng thông lâu năm đồng nghĩa với việc mất đi một phần di sản thiên nhiên quý giá.
Ông Hoàng Văn Hải, Hạt phó hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: "Công ty Hà Phong nhận để quản lý bảo vệ rừng và trồng dược liệu dưới tán rừng từ năm 2010 đến nay. Quan điểm là doanh nghiệp được giao 405 ha đến nay qua các đợt kiểm tra của các sở ngành cũng như địa phương thì diện tích của doanh nghiệp quản lý thì từ lúc nhận cho đến nay thì diện tích vừa rừng vừa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thì khoảng 200 ha. Về góc độ quản lý nhà nước thì hạt kiểm lâm và các đơn vị chức năng thì cương quyết điều tra và xử lý. Về trách nhiệm của doanh nghiệp thì tài sản về rừng được giao theo hồ sơ thì doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm."
Được biết từ năm 2023 đến nay, đây đã là vụ đầu độc rừng thông thứ 3 xảy ra tại khu vực do Công ty này quản lý. Dù cơ quan chức năng đã nỗ lực giải độc, cứu chữa, nhưng phần lớn những cây thông bị đầu độc lần này đều không thể hồi phục. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, UBND huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ vụ án. Công an, kiểm lâm và chính quyền địa phương đang tích cực truy tìm kẻ đứng sau hành vi đầu độc rừng thông này. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị chủ rừng vì đã để xảy ra tình trạng phá rừng kéo dài.
Thời báo VTV sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất về vụ việc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!