Những người yêu nhạc có lẽ không xa lạ gì với bức ảnh của ban nhạc The Beatles. Để lưu lại hình ảnh bộ tứ sải bước qua đường trên đại lộ Abbey, nhiếp ảnh gia chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi là 10 phút để chụp hình, dưới sự hỗ trợ của một cảnh sát để tạm dừng các phương tiện qua lại. Rõ ràng, mọi thứ đều diễn ra rất nhanh để không gây cản trở giao thông và phải được sự đồng ý phối hợp của lực lượng cảnh sát.
Vậy nhưng ở Việt Nam, cứ mỗi mùa hoa nở hay khi có một điểm "check-in" mới xuất hiện, không khó để bắt gặp những hình ảnh đông người tụ tập ở một góc đường nào đó, vô tư thả dáng quay chụp hình. Khi nhiều người đang mải mê săn ảnh đẹp thì ở phía sau hậu trường lại lộ ra nhiều khoảnh khắc xấu xí.
Mất an toàn giao thông vì… chụp ảnh
Hà Nội với 12 mùa hoa. Mỗi tháng mỗi vẻ, khi thành phố khoác lên mình chiếc áo mới thì cũng là lúc nhiều người lựa chọn những góc chụp thật riêng để khoe những hình ảnh rất thơ của mình. Và nếu muốn đẹp thì đôi khi phải bỏ qua nhiều thứ. Bỏ qua sự an toàn của bản thân. Bỏ qua sự nhắc nhở. Bỏ qua ngay cả chiếc xe của mình.
Lấn chiếm lòng đường, biến bất cứ đâu trở thành nơi chụp ảnh không phải là hình ảnh hiếm gặp khi mỗi mùa hoa đến. Những con đường lãng mạn nhất thủ đô vì thế đối với người đi đường trở thành những nơi chẳng ai muốn ghé qua.
Thực tế, những bức hình tại các vị trí bất chấp nguy hiểm để sống ảo thường có khung cảnh đẹp hơn, độc lạ hơn với các bức ảnh chụp ở những nơi an toàn.
Đam mê cái đẹp là nhu cầu của mỗi cá nhân, song việc bất chấp đánh đối sự an toàn của bản thân và người khác là điều không nên làm.
Bất chấp nguy hiểm chỉ để có được một tấm ảnh đẹp nên nếu đi tìm đáp án cho câu hỏi quay chụp như thế để làm gì? Thì nhiều người sẽ có chung nhận định là những đối tượng trong hình đang cố tình để câu like, câu view. Nhận định này không phải là không có cơ sở, bởi nhiều hình ảnh quay chụp dưới lòng lề đường đều được chính chủ nhân "khoe" trên các tài khoản mạng xã hội của mình.
Đặc biệt như vụ việc dừng xe rước dâu giữa đường gây nhiều chú ý trong thời gian gần đây, có liên quan tới một nhân vật được biết tới với tên gọi là "Hải Idol". Sau khi đối tượng này cùng 3 đồng phạm bị khởi tố vì hành vi gây rối trật tự công cộng thì cũng là lúc mục đích quay chụp được làm sáng tỏ.
Dừng xe rước dâu quay chụp nhằm "đánh bóng tên tuổi"
Sự việc xảy ra vào cuối tháng 4 vừa qua, 4 chiếc xe trong đoàn rước dâu đã dừng đỗ khá lâu trên đoạn đường qua địa phận xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Trong quá trình này, một đối tượng đã phát livestream trên Facebook "HẢI IDOL Vượt Khó" thu hút tới hàng trăm nghìn lượt xem và tương tác. Đến tối cùng ngày, khi thấy có nhiều bình luận lên án hành vi trên, nên đối tượng đã tự gỡ bỏ. Tại cơ quan điều tra, Phạm Đức Hải (còn gọi là 'Hải Idol') khai nhận: sử dụng nhiều tài khoản trên Facebook, Tiktok để bán quần áo online. Việc livestream, sản xuất các video liên quan đến đoàn rước dâu là nhằm đánh bóng tên tuổi, tăng lượng người theo dõi và tương tác trên các kênh bán hàng.
Trong khoảng hai tuần vừa qua, một cá nhân đã bất đắc dĩ trở thành "hiện tượng mạng", bởi sự đeo bám của những người làm nội dung trên mạng xã hội khiến người này liên tục bị làm phiền bởi đám đông hiếu kỳ.
Dù người đàn ông này khẳng định mình chỉ là người dân thường, đang "tập học" theo lời Phật dạy, đi khất thực để rèn luyện đạo đức và sức khỏe, vậy nhưng nhiều nội dung trên mạng xã hội vẫn theo sát hành trình, gán cho ông tên gọi là "thầy" là "nhà sư".
Người tu hành bị đám đông làm phiền
Thích Minh Tuệ đã tập tu theo cách thức khổ hạnh được 6 năm và thực hiện 4 lần đi bộ từ Nam ra Bắc rồi quay lại. Các chuyến "chân trần xuyên Việt" trước đây của ông không gây ra bất kỳ sự ồn ào nào. Nhưng việc các youtuber, tiktoker và facebooker bất ngờ quay chụp ông đã khiến đám đông rồng rắn đi theo cả quãng đường dài, đi bộ tràn cả xuống lòng đường gây cản trở giao thông. Thậm chí đã xuất hiện cảnh xô đẩy, tranh chỗ đứng gần ông để chụp ảnh, quay phim, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự… Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều tài khoản mang tên Thích Minh Tuệ, lan truyền những nội dung chưa xác thực. Hình ảnh của ông cũng bị lợi dụng để xuyên tạc về đời sống tu hành của nhiều tăng ni, phật tử khác.
Mục đích của những màn đón lõng, quay chụp Thích Minh Tuệ thì chỉ người đứng đằng sau ống kính mới có thể biết rõ. Nhưng dù để thỏa mãn sự hiếu kỳ, để tăng tương tác, hay đơn thuần bởi sự sùng bái, hoặc vì bất kỳ động cơ nào khác thì những việc làm này cũng đã tạo nên cảnh tượng lộn xộn phản cảm. Đối với bản thân người tu hành cũng bị quấy quả, làm ảnh hưởng đến quá trình tu tập. Mới đây nhất, người đàn ông này đã phải lên tiếng, xin đám đông hãy dừng lại việc theo chân mình.
Những vụ việc gần đây đều có sự xuất hiện của yếu tố đám đông. Dù đoàn xe rước dâu, nhóm tập yoga, nhóm nhảy nhót giữa đường hay vụ việc đám đông đi theo người tu hành đã được các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc xác minh, có những hình thức răn đe hoặc lên tiếng cảnh báo nhưng vẫn có những người xem thường pháp luật. Hướng xử lý những vụ việc này như thế nào, phóng viên đã tìm gặp luật sư để trao đổi cụ thể hơn về những nội dung trên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!