Hiện nay, Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới với các ngành công nghiệp chủ chốt nằm ở thượng nguồn của chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2050, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với việc khu vực tư nhân đóng góp hơn 70% thành tựu đổi mới khoa học công nghệ, Trung Quốc đang thiết lập một mô hình phát triển công nghệ mới, dựa trên doanh nghiệp làm trung tâm.
Khoa học công nghệ được đánh giá là lĩnh vực hợp tác tiềm năng to lớn, được quan tâm trong chuyến thăm lần thứ tư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam. Thành công của Trung Quốc đã tạo nguồn động lực, mang lại cơ hội phát triển mới cho quá trình hiện đại hóa của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ba năm qua, Viện Khoa học vật liệu hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, phát triển 2 mũi nhọn công nghệ là pin lithium và pin hydro. Nếu pin lithium ứng dụng phổ biến cho điện thoại, máy tính, xe điện thì pin nhiên liệu hydro hoàn toàn không phát thải trong quá trình sử dụng. Việt Nam có thêm cơ hội đào tạo đội ngũ chuyên gia, từng bước làm chủ công nghệ tích trữ, điện phân, chế tạo pin, từ công suất suất nhỏ 1KW lên tới 1MW.
18 năm qua, đại học Bách Khoa Hà Nội hợp tác với một số đại học của Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa, Nam Kinh, công bố mô hình mới như doanh nghiệp trong trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. 2 bên hợp tác trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và sẽ đào tạo cử nhân Tiếng Trung lĩnh vực khoa học kỹ thuật trong năm học mới.
Những năm gần đây, Việt Nam và Trung Quốc đã thúc đẩy hàng trăm chương trình hợp tác về khoa học - công nghệ ở cấp Nhà nước cũng như các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, từ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu mới.
Từng được coi là "công xưởng thế giới" với công nghệ thấp, giờ đây Trung Quốc đã trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Thúc đẩy hợp tác giữa 2 quốc gia sẽ giúp Việt Nam nâng cao đội ngũ chuyên gia, làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, góp phần tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!