Phụ nữ vừa gánh vác trọng trách làm mẹ, vừa phải đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội. (Ảnh minh họa: Phụ nữ VN)
Nhiều áp lực khiến “ngại” sinh con
Kết hôn đã 3 năm, cả hai vợ chồng đều có sức khỏe tốt nhưng chị Hoàng Thu (30 tuổi, ở Hà Nội) và chồng thống nhất không sinh con. Lý giải về điều này, theo chị Thu, việc sinh con và nuôi dạy đứa trẻ phải đi kèm với trách nhiệm và sự đánh đổi. Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, khả năng kinh tế của hai vợ chồng chưa ổn định chính là lý do chị Thu và chồng đi tới quyết định không sinh con.
Với mình, sinh con và nuôi con hiện nay không dễ dàng như trước, nhất là đối với phụ nữ. “Bên cạnh áp lực về chi phí sinh hoạt khi sinh con, phụ nữ vẫn phải lo chu toàn việc nhà, cũng như kỳ vọng của gia đình hai bên. Đi làm cả ngày, phụ nữ về tới nhà phải lo cơm nước, chăm sóc chồng con, nếu không sẽ bị chê đoảng”, chị Thu cho hay.
Giống như chị Thu, chị Nguyễn Loan (25 tuổi, ở Hưng Yên) quyết định chưa sinh con sau khi kết hôn. Chị Loan chia sẻ, hiện tại chị đang ưu tiên cho việc học tập, phát triển sự nghiệp. Chị tâm sự: “Phụ nữ sau khi lập gia đình không chỉ gánh vác trọng trách làm mẹ, mà còn phải đáp ứng tiêu chuẩn xã hội “đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Công việc ngày càng đòi hỏi phụ nữ cống hiến hơn, nếu có thêm con nhỏ thì không thể phấn đấu nổi”.
Đối với chị Loan, làm cha mẹ là một trọng trách thiêng liêng và cao cả. Chị cho biết: “Nuôi một đứa trẻ giờ không chỉ dừng lại ở việc “đủ ăn, đủ mặc” nữa. Cha mẹ hiện đại đều mong muốn cho con điều kiện sống tốt nhất”. Vì thế, hai vợ chồng mình quyết định tạm hoãn việc sinh con để ưu tiên phát triển sự nghiệp, ổn định hơn về mặt kinh tế.
Cùng quan điểm với chị Loan, gia đình chị N.T.Thủy (35 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) hiện đã có một bé gái 9 tuổi, nhưng chưa nghĩ đến việc sinh con thứ 2. Đối với chị, việc sinh con quan trọng là có khả năng lo cho con và bản thân một cuộc sống tốt nhất chứ không chỉ là áp lực kinh tế. Từ khi con còn nhỏ, chị Thủy đã cho bé tham gia các lớp học múa, hát, đàn piano. Lớn hơn, bé được học thêm tiếng Pháp, tiếng Anh cũng như học văn hóa tại nhiều trung tâm văn hóa.
Chị Thủy chia sẻ, hiện tại, chưa tìm ra động lực sinh con thứ hai. Chồng chị Thủy cũng không đặt nặng vấn đề phải sinh con trai “nối dõi” nên hai vợ chồng đều thoải mái với vấn đề này. “Cha mẹ nào cũng muốn chăm sóc con mình thật chu đáo, thế nên hai vợ chồng chưa có ý định sinh thêm con thứ hai để tập trung điều tốt nhất cho con đầu lòng”, chị Thủy cho biết.
Mức sinh giảm thấp là vấn đề nghiêm trọng
Theo đánh giá của Bộ Y tế, thực trạng dân số Việt Nam đã phát sinh những vấn đề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết, trong đó có mức sinh giảm thấp. Trong hai năm gần đây, mức sinh của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh. Năm 2023, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và con số này chỉ còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024. Đây được cho là mức sinh thấp nhất trong lịch sử, đối lập với xu hướng “săn” con tuổi rồng năm qua.
Theo Bộ Y tế, nước ta hiện nay đang chuẩn bị bước vào giai đoạn già hóa dân số. Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 bởi Tổng cục Thống kê cho thấy mức sinh của năm 2024 giảm so với năm 2019. Trong giai đoạn 2019 - 2024, dân số Việt Nam mỗi năm tăng gần một triệu người, tuy nhiên, tốc độ tăng bình quân chỉ đạt 0,99%, giảm 0,23% so với giai đoạn 2014 – 2019.
Không chỉ riêng Việt Nam, giảm sinh cũng là vấn đề của hàng loạt quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhiều nước đã ban hành các chính sách, pháp luật để giải quyết các vấn đề về mức sinh. Có 55 chính phủ có chính sách tăng mức sinh, 19 chính phủ tập trung vào việc duy trì mức sinh hiện tại. Các nhóm biện pháp tại nơi làm việc như cải thiện chế độ nghỉ thai sản, chế độ bố nghỉ chăm con, thời giờ làm việc ngắn hơn hoặc bán thời gian.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành ở nước ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến sinh. Những lao động nữ thuộc 21 tỉnh, thành phố vùng mức sinh thấp gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang sẽ được khen thưởng, hỗ trợ hiện vật hoặc hưởng mức tiền thưởng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.
Ngoài ra, Bộ Y tế vừa dự thảo nội dung phụ nữ sinh con thứ hai được tăng nghỉ thai sản lên là 7 tháng, cũng như được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội cùng nhiều chính sách khuyến khích sinh con khác. Theo Bộ Y tế, để những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả, việc sửa đổi văn bản pháp luật có quy định về số con là cần thiết.
Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ. Dự án Luật Dân số dự kiến sẽ được Chính phủ xem xét tại kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật vào năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!