Hàng chục lò mổ chui ở Chương Mỹ (Bài 2)

Vì sao lò mổ không phép vẫn tồn tại hàng thập kỷ?

Diễm Hương-Thứ bảy, ngày 29/03/2025 06:00 GMT+7

bangdatally.xyz - Hoạt động giết mổ không phép của 37 lò mổ trong suốt 10 năm qua tại xã Hữu Văn huyện Chương Mỹ khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao có thể tồn tại cả một thập kỷ?

Trong suốt một thập kỷ qua tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, hoạt động giết mổ không phép của 37 lò mỏ vẫn diễn ra đều đặn khiến dư luận không khỏi thắc mắc: Liệu đã có bao nhiêu tấn thịt lợn xuất phát từ những lò mổ không phép này được mang đi tiêu thụ mà không qua kiểm dịch? Chính quyền địa phương gặp khó hay là buông lỏng trong công tác quản lý? 

Xử lý lò mổ không phép: phạt xong lại cho tồn tại?

Vì sao lò mổ không phép vẫn tồn tại hàng thập kỷ? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thanh Hương - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chương Mỹ. Ảnh: Diễm Hương

Trao đổi về công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn, bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chương Mỹ khẳng định, quy trình quản lý các lò mổ này được huyện triển khai rất nghiêm: "Trong những năm qua huyện đã ban hành nhiều văn bản để xóa bỏ, di dời các lò giết mổ lợn tự phát, không phép. Yêu cầu các hộ ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu hộ nào không đáp ứng được sẽ bị xử phạt và buộc dừng hoạt động".

Vì sao lò mổ không phép vẫn tồn tại hàng thập kỷ? - Ảnh 2.

Trong suốt 10 năm qua, địa phương này mới chỉ xóa bỏ được 4 cơ sở lò giết mổ lợn tự phát. Ảnh: Diễm Hương

Nhưng, theo số liệu cung cấp từ ông Phùng Huy Công, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Văn: "Trong suốt 10 năm qua địa phương mới chỉ xóa bỏ được 4 cơ sở, phát hiện 15 hộ vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm và xử phạt 700.000 đồng/hộ". Số tiền phạt này, theo Phó chủ tịch xã, là quá thấp so với lợi nhuận nên không đủ sức răn đe, dẫn đến tỷ lệ tái phạm vẫn còn.

Thêm vào đó, việc di dời các hộ giết mổ tự phát trong khu dân cư mới chỉ dừng lại ở khâu tuyên truyền, vận động. Chưa có biện pháp cứng rắn, nên dù đã 10 năm trôi qua, lộ trình xóa bỏ các lò mổ không phép vẫn chưa có tiến triển.

Vì sao lò mổ không phép vẫn tồn tại hàng thập kỷ? - Ảnh 3.

Ông Phùng Huy Công - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Diễm Hương

"Huyện, xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các cơ sở tự phát di dời đến nơi giết mổ tập trung. Nhưng kết quả chưa cao vì chủ các lò mổ tự phát không đồng thuận. 10 năm qua, chúng tôi vẫn đang xử lý những tồn tại này". Ông Phùng Huy Công, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Văn, bộc bạch.

Xử lý lò mổ "lậu" nửa vời: Hậu quả ai gánh?

Vì sao lò mổ không phép vẫn tồn tại hàng thập kỷ? - Ảnh 4.

Các lò mổ tự phát vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt 10 năm. Ảnh: Diễm Hương

Theo quy định của pháp luật, các lò mổ không phép sẽ bị xử phạt hành chính và bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, thực tế tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ 37 lò mổ tự phát vẫn ngang nhiên hoạt động suốt 10 năm.

Bà Nguyễn Thanh Hương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chương Mỹ, lý giải: "Hoạt động giết mổ gắn liền với cuộc sống dân sinh nên rất khó xử lý triệt để. Vì vậy tính riêng xã Hữu Văn có 37 lò mổ vẫn hoạt động dù không phép. Lò mổ lâu nhất cũng khoảng 10 năm".

Còn theo ông Phùng Huy Công, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Văn: "Thẩm quyền cấp xã có giới hạn nên rất khó xử lý triệt để. Đôi khi cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền và vận động chủ các lò mổ tuân thủ quy định".

Vì sao lò mổ không phép vẫn tồn tại hàng thập kỷ? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Diễm Hương

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: "Giải quyết tình trạng lò mổ trái phép không chỉ là câu chuyện xử lý vi phạm mà còn liên quan đến việc quy hoạch ngành giết mổ. Nếu chính quyền không xử lý mạnh tay, việc xóa bỏ chỉ nằm trên giấy. Và việc lò mổ không phép tồn tại sẽ khiến các doanh nghiệp giết mổ tập trung làm ăn chân chính lao đao vì cạnh tranh không công bằng."

Giải pháp nào để chấm dứt tình trạng lò mổ lậu?

Để giải quyết tận gốc vấn đề, chính quyền cần mạnh tay xử lý bằng các biện pháp cứng rắn. Theo các chuyên gia, trước hết phải tăng cường kiểm tra đột xuất, xử phạt nghiêm và truy trách nhiệm người đứng đầu nếu xử lý nửa vời. Đồng thời, cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các lò mổ tập trung hiện đại, đảm bảo quy trình giết mổ an toàn, minh bạch.

Vì sao lò mổ không phép vẫn tồn tại hàng thập kỷ? - Ảnh 6.

Để giải quyết tận gốc vấn đề lò mổ tự phát, cần mạnh tay xử lý bằng các biện pháp cứng rắn. Ảnh: Diễm Hương

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ như tem truy xuất nguồn gốc và giám sát bằng camera sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ hơn. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng cần mua sắm thông thái hơn chỉ mua thịt từ cơ sở có kiểm dịch.

Việc xóa bỏ các lò mổ nhỏ lẻ, tự phát, không phép là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và tránh thất thu thuế. Đồng thời, đây cũng là bước quan trọng trong việc quy hoạch ngành giết mổ theo hướng hiện đại, tập trung. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là mục tiêu lâu dài nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước