Nét văn hóa đặc sắc của người Thái (Lai Châu).
Lễ hội Nàng Han là nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái trắng xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nói riêng và của cả vùng Tây Bắc nói chung.
Thiếu nữ người Thái tìm hiểu về cội nguồn dân tộc mình.
Tương truyền, Nàng Han là con gái một gia đình người Thái nghèo, nàng đã giả trai quật cường đánh giặc xâm lược phương Bắc. Đúng ngày 30 tết, quân xâm lược đã bị đánh bại, Nàng Han cùng các tướng sỹ trở về. Khi đến mó nước Nậm Lùm nay thuộc thôn Tây An, xã Mường So, Nàng Han cởi xiêm y, tắm gội bên mó nước rồi cùng ngựa bay về trời. Từ đó, tưởng nhớ công ơn của nàng, nhân dân đã lập miếu thờ và tổ chức lễ hội ngay tại mó nước vào 15/2 âm lịch hàng năm và mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, mùa màng tốt tươi.
Là một người xa quê hương từ lâu Chị Lò Thị Tươi, ở Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: "Biết xã tổ chức lễ hội, những người xa quê đã lâu như chúng tôi đều háo hức trở về, hòa mình không khí lễ hội, nhớ lại ký ức tuổi thơ, các thế hệ cùng sum vầy và nhắc nhở con, cháu gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trắng chúng tôi".
Trong phần lễ sẽ tiến hành nghi lễ cúng Nàng Han; nghi thức cúng sơn thần thổ địa và mó nước Nàng Han. Phần hội được tổ chức với sự tham gia của các thôn, bản trên địa bàn xã Mường So với một số môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian như: đẩy gậy, bắn nỏ, tó má lẹ, tung còn, đi cà kheo, én cáy; thi văn nghệ; trình diễn trang phục dân tộc; thi ẩm thực; trình diễn nghệ thuật múa xòe; trình diễn nghi thức kéo co truyền thống dân tộc Thái; nghi thức gội đầu trong lễ hội Áp Hô Chiêng...
Chị Tao Thị Nải, Thôn Vàng Bó, xã Mường So, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tâm sự: "Bản thân tôi rất tự hào là người dân tộc Thái, trong nhiều năm, bản thân đã tham gia nghi thức cúng lễ hội, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, cầu mong sức khoẻ, gia đình hạnh phúc. Tôi rất là vinh dự và tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng".
Lễ hội Nàng Han là dịp để Nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện cùng giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian phát triển, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Đặng Xuân Thanh, chủ tịch UBND xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: "Lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của Lễ hội truyền thống Nàng Han duy trì và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân và du khách đối với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dân tộc Thái."
Điệu múa của dân tộc Thái
Theo ông Thanh, tổ chức lễ hội "Nàng Han" nhằm khơi dạy tiềm năng, những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái; là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái nói riêng. Góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thông qua các hoạt động lễ hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, các giá trị di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội, đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ hội nàng Han (Lai Châu):
"Hoa Ban nở thành người con gái Thái"
Diện trang phục của dân tộc mình để bước vào hội
Đồng nhất trong sự tương phản sắc màu
Món ăn bà con dân tộc Thái
Thể hiện sự khéo léo từ bàn tay người phụ nữ Thái
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Mâm cỗ nhiều sắc màu của bà con người Thái
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!