Những ngày này, không khí chờ đón kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã tạo nên những cảm xúc rộn ràng trên khắp các vùng miền. Hòa trong dòng chảy lịch sử ấy, việc đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư lên tới 445 nghìn tỷ đồng đã trở thành cú hích mạnh mẽ cho tiến trình phát triển của đất nước, mang một dấu ấn đặc biệt.
Lễ khởi công, khánh thành dự án trọng điểm Quốc gia và các công trình lớn nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, được tổ chức vào sáng 19/4
Trong số đó, 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông và 40 dự án hạ tầng đồng bộ, chiến lược như viễn thông, năng lượng, văn hóa – xã hội, thể thao, y tế, giáo dục, hạ tầng số. Việc triển khai đồng loạt những công trình này cho thấy một định hướng tăng trưởng dựa vào nội lực, tạo định hướng phát triển mới trong bối cảnh xuất khẩu đang phụ thuộc nhiều vào kinh tế toàn cầu.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, việc triển khai cùng lúc 80 dự án quy mô lớn mang ý nghĩa như một "cuộc tổng tiến công" mới nhằm tháo gỡ nút thắt hạ tầng, đưa đất nước tiến lên toàn diện.
"Không chỉ là công trình chào mừng sự kiện 50 năm thống nhất đất nước, con số 80 còn là biểu tượng cho 80 năm cuộc xây dựng đất nước. Đây là hành động thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển hùng cường, thịnh vượng", ông Cường chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ về ý nghĩa của việc đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án trọng điểm quốc gia
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, giao thông luôn đóng vai trò trục xương sống của hạ tầng, là huyết mạch của nền kinh tế. Khi hạ tầng giao thông được cải thiện, nó sẽ tạo điều kiện kết nối các vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghiệp… Chính sự kết nối này là động lực để phát triển bền vững và toàn diện trên khắp cả nước.
Đặc biệt, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất – một trong những dự án vừa được khánh thành, là ví dụ sinh động cho tinh thần "thần tốc, táo bạo" thời kỳ mới.
"Từ tình trạng quá tải sân bay, ùn ứ chuyến bay đến những hàng dài tại khu vực làm thủ tục, ga T3 đã giải quyết triệt để. Không chỉ là giải pháp giao thông, nhà ga còn là biểu tượng của một hệ thống hạ tầng hiện đại, số hóa, hướng tới chuẩn quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học, thủ tục tự động hoá đã tạo nên một bước chuyển mình trong ngành hàng không", GS.TS. Hoàng Văn Cường phân tích.
Tổng vốn đầu tư các dự án trọng điểm lên tới 445 nghìn tỷ đồng
Không chỉ mang tính kỹ thuật, công trình còn truyền cảm hứng và bài học quý giá về tổ chức thi công trong điều kiện khó, vẫn hoàn thành vượt tiến độ, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, tinh thần không lùi bước và sự đồng hành của toàn hệ thống từ trung ương đến người dân.
Điểm đặc biệt trong các dự án lần này là sự phối hợp hiệu quả giữa vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách. Trong tổng số 445.000 tỷ đồng vốn đầu tư, ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 182.000 tỷ, tương đương 40%.
"Đây là chiến lược dùng đầu tư công như một vốn mồi, để dẫn dắt, kích hoạt dòng vốn tư nhân. Cứ mỗi đồng vốn nhà nước bỏ ra có thể kéo thêm 1,6 đồng vốn tư nhân. Và khi hạ tầng hoàn thiện, sẽ tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất, dịch vụ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong nền kinh tế", ông Cường cho biết.
Về lâu dài, điều này tạo nên một hệ thống hạ tầng đồng bộ – yếu tố then chốt để giảm chi phí logistics, giải tỏa ách tắc trong phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong bối cảnh xuất khẩu đang đối mặt với nhiều rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu, đầu tư công đang trở thành động lực chủ lực để duy trì tăng trưởng.
"Ba trụ cột tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Khi xuất khẩu gặp khó, đầu tư công sẽ phải gánh vai trò thay thế, mở ra hướng đi mới bằng cách khai thác nội lực. Đặc biệt là đầu tư công vào hạ tầng sẽ giúp thu hút thêm nguồn lực xã hội, tạo dư địa phát triển dài hạn", GS.TS. Hoàng Văn Cường khẳng định.
Theo ước tính, mỗi 1% tăng của đầu tư công có thể đóng góp thêm 0,06% vào tăng trưởng GDP. Với mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường cao tốc và 5.000 km vào năm 2030, đây sẽ là nền tảng hạ tầng giúp Việt Nam bứt phá, thu hút đầu tư và phát triển các vùng còn tiềm năng.
Trong số 80 dự án trọng điểm, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông
Không chỉ tạo động lực kinh tế, các dự án còn tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội việc làm trên khắp cả nước. Trong bối cảnh một số ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi biến động thuế quan quốc tế, đầu tư công trở thành giải pháp hiệu quả để chuyển dịch cơ cấu lao động.
"Khi các doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp sản xuất, người lao động có nguy cơ mất việc thì đầu tư công chính là nơi tạo ra việc làm mới. Không chỉ là công việc, đó còn là cơ hội để người lao động tham gia vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ nền kinh tế gia công sang kinh tế tự chủ", ông Cường nói.
Hiện nay, 1.443 km đường cao tốc Bắc – Nam đã được đưa vào khai thác. Mục tiêu đến cuối năm 2025 là hoàn thành 3.000 km theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, và tiến tới 5.000 km vào năm 2030 như mục tiêu được Trung ương Đảng và Quốc hội đề ra. Đây là một minh chứng rõ nét cho những thành quả đã đạt được và là bước nối tiếp cho chặng đường phát triển phía trước. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, việc thúc đẩy tăng trưởng dựa vào nội lực chính là hướng đi đúng đắn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!