Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Đừng để tài sản công trở thành "tài sản chết"

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 24/04/2025 11:09 GMT+7

bangdatally.xyz - Hàng trăm trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính có nguy cơ bị bỏ hoang, lãng phí nếu không sớm có phương án sử dụng hiệu quả.

Việc sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính đang trở thành mối quan tâm lớn của người dân trên cả nước. Từ ngày 1/7 tới, nhiều quận, huyện sẽ không còn tồn tại trên bản đồ hành chính, kéo theo số lượng xã, phường giảm tới 60–70% sau quá trình sắp xếp. Hệ quả là hàng trăm công trình trụ sở với giá trị xây dựng lớn, thậm chí còn khá mới, có nguy cơ bị bỏ trống. Nếu được quy hoạch và sử dụng hợp lý, những trụ sở này có thể trở thành nguồn lực quý giá phục vụ cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ngược lại, nếu không có phương án khai thác phù hợp và kịp thời, tình trạng lãng phí tài sản công là điều khó tránh khỏi.

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Đừng để tài sản công trở thành tài sản chết - Ảnh 1.

UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, dự kiến Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội, UBTVQH.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đào, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, công tác giám sát luôn là một trong ba chức năng trọng yếu của Quốc hội và được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang bước vào giai đoạn sắp xếp lại các đơn vị hành chính, thì yêu cầu đối với công tác giám sát cần được siết chặt và thực hiện một cách quyết liệt hơn.

"Nếu chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện công tác giám sát một cách hình thức, thiếu hiệu quả như trước đây thì theo tôi, đó không chỉ là sự yếu kém trong quản lý, mà còn là một sự thiếu trách nhiệm đối với nhân dân", PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào bày tỏ.

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Đừng để tài sản công trở thành tài sản chết - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đào, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII chia sẻ về việc sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính

Nếu không có công tác giám sát thường xuyên, kịp thời và liên tục, rất dễ dẫn đến tình trạng các trụ sở bị bỏ hoang trong thời gian dài, gây ra lãng phí lớn về nguồn lực. Thực tế đã cho thấy, có những công trình xây dựng quy mô lớn, diện tích rộng hàng nghìn mét vuông, nhưng suốt hàng chục năm vẫn không được đưa vào sử dụng đúng mục đích. Điều này không chỉ làm thất thoát tài sản công, mà còn tạo ra sự mất cân đối trong quy hoạch đô thị, gây ra tình trạng nhếch nhác, thiếu đồng bộ tại nhiều địa phương, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí các công trình công. Thứ nhất, cần phải xem xét lại cơ chế, chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài sản công. Nhiều quy định hiện hành còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, khiến cho việc triển khai ở cấp địa phương gặp không ít khó khăn.

Thứ hai, là trách nhiệm của người trực tiếp quản lý tài sản. Nhiều cán bộ thiếu kiến thức quản trị tài sản công, hoặc làm việc theo thói quen hành chính, thiếu sự chủ động và trách nhiệm. Trong khi đó, cơ chế ràng buộc trách nhiệm còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý.

Thứ ba, là vấn đề pháp lý. Rõ ràng, đã đến lúc cần phải rà soát, sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, để tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực tiễn. Pháp luật phải thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lãng phí, sử dụng sai mục đích các công trình công cộng.

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Đừng để tài sản công trở thành tài sản chết - Ảnh 3.

Một trụ sở của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trên phố Tô Hiệu, quận hà Đông, TP.Hà Nội nhiều năm qua không có người lui tới

"Đã đến lúc phải cụ thể hóa rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, và đưa quy định này vào luật. Bởi người dân mong muốn tài sản công được sử dụng hiệu quả, phục vụ trực tiếp cho lợi ích cộng đồng, chứ không thể tiếp tục để tình trạng lãng phí kéo dài như hiện nay", PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào nhấn mạnh.

Liên quan đến việc sử dụng tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội rằng, các trụ sở, công trình công dôi dư sẽ được ưu tiên phục vụ các mục tiêu thiết thực cho cộng đồng, trong đó trọng tâm là ba lĩnh vực: giáo dục, y tế và sinh hoạt cộng đồng.

"Quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ưu tiên sử dụng các trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cho giáo dục, y tế và sinh hoạt cộng đồng là rất đúng đắn và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân trên cả nước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa định hướng này, cần có những hướng dẫn cụ thể và đồng bộ, đặc biệt là từ phía Bộ Tài chính – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tài sản công", PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào chia sẻ.

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Đừng để tài sản công trở thành tài sản chết - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, để tiếp thu ý kiến của cử tri và thông báo nội dung kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đào, về nguyên tắc, những trụ sở dôi dư nếu phù hợp với công năng và vị trí thì nên ưu tiên chuyển đổi phục vụ giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng. Nhưng với những công trình không phù hợp hoặc bị bỏ hoang lâu năm, hoàn toàn có thể cho thuê, mời tư nhân hợp tác khai thác hoặc tổ chức đấu giá để tạo nguồn lực tài chính.

Tuy nhiên, để thực hiện được, điều kiện tiên quyết là phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch và đầy đủ, tránh tình trạng người quản lý lo ngại trách nhiệm và không dám ký quyết định.

"Thứ nhất, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, cho thuê và chuyển nhượng tài sản công, đồng thời quy định rõ cách sử dụng nguồn thu. Thứ hai, áp dụng cơ chế thị trường linh hoạt, cho phép các doanh nghiệp ngoài nhà nước được thuê hoặc mua lại tài sản không còn sử dụng. Mục tiêu cao nhất là sử dụng hiệu quả, triệt để tài sản công, tránh lãng phí, góp phần phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội", PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào cho hay.

Việc chậm trễ trong chuyển đổi công năng các trụ sở dôi dư sẽ dẫn đến lãng phí tài sản công, làm mất cơ hội khai thác quỹ đất và hạ tầng sẵn có để mở rộng dịch vụ công, phát triển giáo dục, y tế và thu hút đầu tư tại địa phương. Do đó, các địa phương cần sớm xây dựng phương án sử dụng phù hợp, tránh để tài sản công trở thành "tài sản chết" ngay trong cộng đồng.

Nếu được quy hoạch và xử lý bài bản, các trụ sở này hoàn toàn có thể trở thành hạt nhân thúc đẩy dịch vụ công, sinh hoạt cộng đồng và cả các hoạt động kinh tế. Đây cũng là một bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, phục vụ người dân và hướng tới phát triển bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước