Triển lãm là kết quả từ cuộc thi sáng tác "Hà Nội xưa của ngày hôm nay" dành cho sinh viên, tập trung vào việc vẽ lại những góc phố Hà Nội, đặc biệt là khu vực 36 phố phường và các nét đẹp Hà Nội xưa, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 58 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Với hơn 1.000 bài dự thi, cuộc thi phản ánh sự hưởng ứng nhiệt tình và sáng tạo của các bạn trẻ. Sau quá trình tuyển chọn, hội đồng giám khảo đã chọn ra 81 tác phẩm tiêu biểu để trưng bày và trao giải cho 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cùng nhiều phần quà đến từ các nhà tài trợ.
Với hơn 1.000 bài dự thi, cuộc thi phản ánh sự hưởng ứng nhiệt tình và sáng tạo của các bạn trẻ. Ảnh: Hải Hưng.
Buổi lễ khai mạc có sự tham dự của bà Bùi Thị Hương Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội); ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo và thầy cô của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội phát biểu lại triển lãm.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội cho rằng, đây không chỉ là dịp giới thiệu và lan tỏa giá trị văn hóa của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, mà còn là cơ hội để các bạn sinh viên trải nghiệm, thể hiện tiếng nói, tiếng lòng thông qua nghệ thuật.
“Hơn 1.000 tác phẩm tham gia cuộc thi là hơn 1.000 góc nhìn khác nhau, góp phần phát triển và lan tỏa tinh thần sáng tạo, đam mê của sinh viên, một nguồn tài nguyên quý cho xã hội. Các tác phẩm không chỉ mang ý nghĩa nghệ thuật mà còn có tiềm năng trở thành sản phẩm lưu niệm, poster, in ấn trên áo, sổ sách, tài liệu... góp phần kết nối sinh viên với các nghệ nhân và doanh nghiệp văn hóa sáng tạo”, ông Thuỷ chia sẻ.
Buổi triển lãm cũng đánh dấu sự phối hợp hiệu quả giữa Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội và Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trong việc tổ chức một sự kiện nghệ thuật ngay tại tuyến phố có bề dày lịch sử, nơi gắn liền với quá trình thành lập và giải phóng Thủ đô.
Ông Trần Bá Tăng, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Ông Trần Bá Tăng, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhấn mạnh: "Đây là minh chứng sinh động cho sự đồng hành của nhà trường cùng sinh viên, đáp ứng yêu cầu đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Việc trưng bày tác phẩm tại không gian công cộng cũng góp phần khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường, nâng cao vị thế và thương hiệu trong việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trẻ tài năng”.
Trước thành công của buổi triển lãm, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội bày tỏ sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Khoa Mỹ thuật Cơ sở, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trong việc tạo dựng một không gian sáng tạo chuyên nghiệp dành cho sinh viên.
Bà Bùi Thị Hương Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội) cùng bà Phùng Hoa Miên - Trưởng khoa Khoa Mỹ thuật Cơ sở và các đối tác, nhà tài trợ cắt băng khánh thành sự kiện.
Qua đó, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong công tác đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn kết chặt chẽ hơn giữa đào tạo mỹ thuật với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Triển lãm "Hà Nội xưa của ngày hôm nay" không chỉ là sân chơi nghệ thuật dành cho sinh viên mà còn góp phần lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của Thăng Long - Hà Nội trong dòng chảy hiện đại.
Dưới đây là một số hình ảnh tại sự kiện:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!