Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11, khóa XIII vừa chính thức bế mạc, đánh dấu một dấu mốc quan trọng. Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao về chủ trương tổ chức mô hình chính quyền địa phương theo hai cấp: cấp tỉnh (gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn và đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Đây được xem là bước đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy, nhằm tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11, khóa XIII
Theo đó, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập sẽ là 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố). Đồng thời, sẽ kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện và tiến tới giảm khoảng 60 – 70% đơn vị hành chính cấp xã, tức từ hơn 10.000 đơn vị hiện nay xuống còn khoảng 3.000 – 4000 xã, phường, thị trấn. Cấp xã trong mô hình mới sẽ bao gồm xã, phường và đặc khu trực thuộc tỉnh/thành phố.
Bà Nguyễn Thị Tú Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết: "Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 60, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai lập đề án và thực hiện lộ trình sắp xếp, với hạn chót nộp đề án là 1/5/2025 và áp dụng chính thức từ 1/7/2025".
Bà Nguyễn Thị Tú Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, cho biết những nội dung liên quan đến việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ các nguyên tắc trong sắp xếp gồm: Tuân thủ Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên, dân số hợp lý; cân nhắc các yếu tố văn hóa - lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông, trình độ phát triển công nghệ thông tin. Các địa phương được khuyến khích xây dựng phương án phù hợp với thực tiễn, đồng thời đảm bảo tiến độ và chất lượng.
"Đây là cuộc cách mạng hành chính lớn, được tiến hành trong thời gian gấp rút. Bộ Nội vụ đã xây dựng đồng thời dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn địa phương để đảm bảo việc triển khai không bị gián đoạn. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, nhiều tỉnh, thành đã cơ bản nắm rõ chủ trương và các tiêu chí cần thiết để bắt tay vào thực hiện", bà Thanh chia sẻ.
Từ chỗ trước đây chỉ được gọi chung là cán bộ xã, phường, thị trấn, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã trở thành lực lượng nòng cốt trong bộ máy hành chính nhà nước, giữ vai trò trực tiếp kết nối với người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.
Trong bối cảnh hệ thống chính quyền địa phương đang được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, đội ngũ công chức cấp xã sẽ phải gánh vác thêm nhiều nhiệm vụ mới, với khối lượng công việc ngày càng lớn và yêu cầu chuyên môn ngày càng cao.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực, trình độ và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhằm đáp ứng kỳ vọng về một nền hành chính hiện đại, gần dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Việc xóa bỏ cấp huyện và chỉ giữ lại cấp tỉnh và cấp xã đặt ra yêu cầu mới đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã
Bà Thanh nhấn mạnh: "Mô hình mới không mở rộng quy mô xã một cách quá lớn như huyện, mà đảm bảo đủ quy mô để thực hiện các chức năng được phân cấp từ cấp huyện, đồng thời vẫn giữ được tiêu chí 'gần dân, sát dân'. Cấp xã mới phải đủ năng lực thực thi các nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn đảm bảo gắn bó với người dân ở cơ sở".
Một trong những vấn đề then chốt là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sẽ phải chuyển mình để đáp ứng yêu cầu mới. Theo bà Thanh, trong thời gian tới, Luật Cán bộ, công chức cũng sẽ được sửa đổi để thống nhất hệ thống công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh, không còn phân biệt như hiện nay.
"Các địa phương sẽ được chủ động đánh giá, bố trí lại nhân sự và triển khai đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ xã có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để nâng cao hiệu quả quản trị tại cấp xã, giảm áp lực công việc cho cán bộ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân", bà Thanh cho biết thêm.
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sẽ phải chuyển mình để đáp ứng yêu cầu mới
Phát biểu kết luận tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh sẽ giữ vai trò kép, vừa là cấp trực tiếp thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương, vừa là cấp chủ động ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương, đồng thời trực tiếp chỉ đạo, quản lý toàn diện hoạt động của cấp xã.
Trong khi đó, cấp xã được xác định là cấp chủ yếu tổ chức thực hiện các chính sách từ Trung ương và cấp tỉnh nhưng sẽ được tăng cường mạnh mẽ phân cấp, phân quyền. Chính quyền cấp xã cũng sẽ có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc thi hành pháp luật trên địa bàn và xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.
Tổng Bí thư cũng đã khẳng định rằng, chính quyền địa phương sau sắp xếp phải đạt được yêu cầu tinh gọn, hiệu quả, gần dân và đủ năng lực quản trị xã hội hiện đại, hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn cuộc sống của nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!