Tòa án Nhân dân TP Gò Công (Tiền Giang) đang chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử.
Phản ánh đến Thời báo VTV, ông Bùi Thanh Nghiêm, trú tại thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang cho biết, mặc dù bản thân ông là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp quyền sở hữu đất đai, Tòa án đã thụ lý và đã có văn bản đề tạm dừng mọi giao dịch chuyển nhượng với các thửa đất đang có tranh chấp; Tuy nhiên, các cơ quan chức năng thị xã Gò Công, nay là thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang vẫn cho phép bị đơn thực hiện tách thửa, chuyển nhượng khiến quyền lợi của công dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo phản ánh của ông Bùi Thanh Nghiêm, cá nhân ông và ông Dương Việt Anh có tranh chấp về đất đai, tại ấp Long Hưng, xã Long Chánh, thành phố Gò Công và ông Nghiêm khởi kiện ra Tòa án. Tuy vụ án đang được Tòa án thụ lý giải quyết nhưng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Gò Công và chủ tịch UBND xã Long Chánh vẫn cho phép thực hiện việc chuyển nhượng, thế chấp, tách thửa và cấp Giấy CNQSDĐ nêu trên cho nhiều người khác" trót lọt" gây khó khăn, phức tạp cho công tác xét xử của Tòa án và gây thiệt hại về kinh tế đến hàng chục tỷ đồng.
Ông Bùi Thanh Nghiêm bên mảnh đất đang tranh chấp.
Cụ thể, ngày 25/10/2017, ông Bùi Văn Lợi (bố đẻ ông Bùi Thanh Nghiêm) và ông Dương Việt Anh đã lập và ký kết "Văn bản thỏa thuận cam kết chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng nhà đất" (gọi tắt là "Văn bản thỏa thuận ngày 25/10/2017"). Theo thỏa thuận, ông Dương Việt Anh cam kết sau khi trúng đấu giá và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 6 thửa đất với tổng diện tích hơn 16 ngàn mét vuông và công trình trên đất thuộc quyền sử dụng của ông Bùi Văn Lợi, ông Dương Việt Anh sẽ tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng các thửa đất đó cho ông Bùi Thanh Nghiêm. Đổi lại, ông Nghiêm sẽ phải trả cho ông Việt Anh số tiền gần 16 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi) để nhận lại tài sản.
Khi thỏa thuận ký văn bản ngày 25/10/2017, các bên đã thống nhất thực hiện theo nội dung: từ ngày 01/11/2017 đến hết ngày 01/05/2018 ông Việt Anh cam kết không thực hiện chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho, cho thuê dưới mọi hình thức trừ khi có sự đồng ý của ông Bùi Thanh Nghiêm. Tuy nhiên sau đó, Ông Việt Anh không tôn trọng thỏa thuận đã ký về việc để gia đình ông Bùi Thanh Nghiêm tôi nhận lại tài sản như đã thống nhất ban đầu, mà ký kết hợp đồng ủy quyền cho ông Đoàn Văn Hiếu (trú tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) được toàn quyền quản lý, sử dụng đối với toàn bộ 6 thửa đất nói trên.
Ông Bùi Thanh Nghiêm gửi đơn kiến nghị tới Thời báo VTV
Ngày 16/08/2018, ông Bùi Thanh Nghiêm khởi kiện ông Dương Việt Anh tại Tòa án nhân dân Thị xã Gò Công (nay là Tòa án thành phố Gò Công) tỉnh Tiền Giang để yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc ông Dương Việt Anh phải thực hiện "Văn bản thỏa thuận cam kết" ngày 25/10/2017; đồng thời yêu cầu Tòa án hủy bỏ toàn bộ các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất trái pháp luật.
Vụ án sau đó đã được đưa ra xét xử với 4 bản án được tuyên (2 bản án sơ thẩm của tòa án thành phố Gò Công và 2 bản án phúc thẩm của tòa án tỉnh Tiền Giang). Hiện vụ án đang được Tòa án nhân dân Thành phố Gò Công thụ lý giải quyết sơ thẩm. Dự kiến phiên tòa sẽ được mở vào ngày 26 tháng 3 năm 2025; tuy nhiên do một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn xin tạm hoãn nên Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã quyết định tạm hoãn phiên toà.
Tòa án Nhân dân TP Gò Công (Tiền Giang) sẽ đưa vụ án ra xét xử trong thời gian tới
Điều đáng nói, kể từ lần đầu tiên thụ lý vụ án và đưa ra xét xử sơ thẩm vào tháng 8 năm 2018 đến nay, Tòa án thành phố Gò Công đã 5 lần ban hành văn bản để khẳng định đất đang có tranh chấp và khẳng định việc thay đổi hiện trạng thửa đất là không tuân thủ theo quy định pháp luật. Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành công văn số 5930 ngày 03/10/2018 để yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Gò Công (nay là thành phố Gò Công) ngăn chặn và tạm ngưng thực hiện các giao dịch liên quan đến các thửa đất trên cho đến khi vụ án được giải quyết xong.
Mặc dù Tòa án đã thụ lý vụ án và có văn bản yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động chia tách, chuyển nhượng; tuy nhiên, 06 thửa đất nêu trên hiện nay đã được tách thành 63 thửa và chuyển nhượng cho nhiều người.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc
Liên quan đến vụ việc, sau khi ông Bùi Thanh Nghiêm có đơn tố cáo một số cán bộ Sở Nông nghiệp - Môi trường tỉnh Tiền Giang có liên quan đến vụ tranh chấp đất đai mà tòa án đang thụ lý; đầu tháng 3 năm 2025, Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vừa ký Văn bản số 1150 gửi Chánh thanh tra tỉnh Tiền Giang đề nghị tiến hành kiểm tra, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét nội dung đơn tố cáo của ông Bùi Thanh Nghiêm (xã Long Chánh, Thành phố Gò Công, Tiền Giang) đối với nhiều cán bộ của Sở Tài Nguyên và Môi trường Tiền Giang (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường Tiền Giang), Chủ tịch UBND xã Long Chánh (TP. Gò Công) đã vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, thế chấp, tách thửa... trong khi đất có tranh chấp, cơ quan chức năng đã có văn bản ngăn chặn và Tòa án đã thụ lý vụ án. UBND tỉnh giao Chánh thanh tra tỉnh kiểm tra, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20/3/2025.
Đất đang tranh chấp mà chưa có phán quyết của Tòa án thì không được chuyển nhượng
Theo Luật sư Nguyễn Thị Bích Ngọc - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Một thành viên Tia Sáng - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, trường hợp đất đang có tranh chấp thì người sử dụng đất không được phép thực hiện một số quyền của người sử dụng đất, trong đó có quyền chuyển nhượng, quyền thế chấp quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, tại khoản 3 Điều 5 Quyết định số: 08/2020/QĐ-UBND ngày 04/05/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là "Quyết định 08") nêu rõ: Thửa đất đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai và đang được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết thì không thể thực hiện việc tách thửa.
Tòa án Nhân dân Thị xã Gò thời điểm năm 2022 cũng xác nhận "Thửa đất đang có tranh chấp, khiếu nại thì không được tách thửa"
Như vậy, pháp luật đất đai nói chung và quy định tại địa phương nói riêng đều khẳng định, đất đang có tranh chấp thì người sử dụng đất không thể thực hiện một số quyền hợp pháp của mình như: quyền chuyển nhượng, quyền thế chấp quyền sử dụng đất; quyền được tách thửa đất.
Mặc dù biết rõ và phải biết rõ các quy định của pháp luật, đồng thời rất nhiều cơ quan nhà nước tại tỉnh Tiền Giang đã ban hành các văn bản thể hiện rõ 6 thửa đất nêu trên đang tranh chấp và phải tạm ngưng thực hiện các giao dịch liên quan đến các thửa đất trên cho đến khi vụ án được giải quyết xong. Nhưng Ông Dương Việt Anh vẫn thực hiện được việc tách thửa và bán những mảnh đất trên cho một số cá nhân trong khi Tòa án nhân dân thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!