Lọc máu công nghệ Nhật Bản, lọc máu công nghệ Thụy Sĩ. Từ một phương pháp điều trị bệnh lý chuyên sâu, nhiều cơ sở đã quảng cáo như một phương pháp dự phòng cải thiện sức khỏe chỉ sau vài giờ với chi phí chỉ vài chục triệu.
Họ còn sử dụng những người được cho là bệnh nhân để nói về hiệu quả của phương pháp này.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Bệnh viện Bạch Mai, túi "chất độc trong máu" như người mặc áo blouse trong clip trên đề cập thực ra lại có thể chứa cả chất dinh dưỡng có lợi của cơ thể.
TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai: Chúng ta phải biết nguyên lý lọc máu là đưa máu vào một màng lọc. Màng lọc này có các lỗ lọc và hoàn toàn mang tính chất cơ học, có nghĩa là những chất nào có kích thước nhỏ hơn lỗ lọc thì sẽ được lọc. Còn những chất nào lớn hơn, kích thước lớn hơn thì sẽ không được lọc. Nếu như chúng ta lọc được những chất mà chúng ta mong muốn, có rất nhiều chất tốt cho cơ thể nhưng có kích thước nhỏ hơn chất chúng ta cần lọc, thì chúng sẽ bị mất. Như vậy, rõ ràng trong một cuộc lọc, chúng ta sẽ mất rất nhiều chất cần thiết.
Lọc máu là một kỹ thuật xâm lấn, có nhiều rủi ro. Vì vậy, trước khi bệnh nhân được chỉ định lọc máu. Các bác sĩ sẽ phải tiến hành nhiều xét nghiệm và hội chẩn nhiều lần. Tuy nhiên tại các cơ sở tư nhân thì lại không như vậy. Hiện, Bộ Y tế cũng chưa cấp phép cho bất kỳ phương pháp lọc máu nào để dự phòng. Phương pháp này chỉ được phép thực hiện để điều trị bệnh lý.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động quảng cáo trên các trang mạng xã hội"kỹ thuật lọc máu công nghệ cao loại bỏ mỡ máu giảm nguy cơ đột quỵ...". Với những trường hợp Bệnh viện quảng cáo không đúng với danh mục kỹ thuật được phê duyệt, không đúng theo giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã cấp phép, đề nghị xử lý nghiêm đối với sai phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!