Thay đổi lớn trong tuyển sinh đại học 2025: Học sinh cần chuẩn bị như thế nào?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 18/02/2025 15:08 GMT+7

bangdatally.xyz - Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, phương thức xét tuyển sớm sẽ bị loại bỏ nhằm đảm bảo tính công bằng với thí sinh và minh bạch trong tuyển sinh.

Trong những năm qua, xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học là các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hình thức này bao gồm xét tuyển bằng học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, xét tuyển chương trình quốc tế, hoặc là kết hợp giữa các yếu tố trên. Tuy nhiên, theo Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 dự kiến sẽ được công bố trong tháng này với một số thay đổi quan trọng. Năm nay sẽ không còn xét tuyển sớm và tất cả tuân theo quy trình xét tuyển chung trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thay đổi lớn trong tuyển sinh đại học 2025: Học sinh cần chuẩn bị như thế nào? - Ảnh 1.

Từ năm 2025, sẽ không còn xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học và tất cả tuân theo quy trình xét tuyển chung trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo dự thảo, các trường vẫn có thể dùng các phương thức này nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT, trừ tuyển thẳng theo quy định của Bộ. Các cơ sở đào tạo bắt buộc phải có cách thức quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển để đảm bảo thí sinh được sắp xếp theo đúng năng lực nội tại, phẩm chất cốt lõi, đáp ứng yêu cầu của từng chương trình đào tạo cụ thể. Trước đây, điểm khuyến khích của các trường không bị giới hạn, nhưng theo quy chế mới, điểm ưu tiên theo quy định riêng của trường không vượt quá 10% mức tối đa của tổng điểm xét tuyển. Điểm ưu tiên khu vực, đối tượng vẫn thực hiện theo quy định cũ, nhưng tổng điểm sau khi cộng điểm của thí sinh không vượt quá mức tối đa. Ví dụ không được vượt quá 30 điểm, nếu điểm xét theo thang 30. Các trường đại học xét tuyển bằng học bạ, phải sử dụng kết quả cả năm lớp 12 thay vì chỉ xét điểm 3 đến 5 học kỳ như những năm trước.

Theo Phó giáo sư Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh – Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, trong thời gian qua, tình trạng "thí sinh ảo" trong xét tuyển đại học đã gây ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các trường và dẫn đến lãng phí nguồn lực. Điều này xuất phát từ việc thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều chương trình khác nhau, thậm chí là nhiều trường đại học khác nhau trong các đợt xét tuyển sớm.

"Với quy chế tuyển sinh mới năm 2025, các trường không còn được phép công bố kết quả xét tuyển sớm mà phải gộp chung vào đợt xét tuyển chung của cả nước. Điều này có nghĩa là tất cả thí sinh sẽ nhận kết quả cùng một thời điểm, sau khi hệ thống lọc ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo vận hành. Hệ thống lọc ảo sẽ đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng cao nhất trong danh sách đăng ký, giúp loại bỏ tình trạng trúng tuyển ảo", PGS. Vũ Duy Hải cho biết.

Thay đổi lớn trong tuyển sinh đại học 2025: Học sinh cần chuẩn bị như thế nào? - Ảnh 2.

Phó giáo sư Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh – Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ về xét tuyển sớm trong tuyển sinh đại học thời gian gần đây.

PGS. Vũ Duy Hải nhận định, với những trường có nhu cầu tuyển sinh sớm bằng học bạ hoặc chứng chỉ khác, quy chế tuyển sinh mới năm 2025 sẽ tác động đáng kể. Các trường phải điều chỉnh phương thức tuyển sinh, theo dõi và phân tích kỹ tỷ lệ trúng tuyển để đảm bảo đủ chỉ tiêu. Trước đây, họ có thể chủ động tính toán tỷ lệ thí sinh ảo và điều chỉnh số lượng tuyển sinh sớm. Nhưng nay, với hệ thống lọc ảo chung, kết quả tuyển sinh chỉ có sau khi quá trình xét tuyển kết thúc, khiến nhiều trường có nguy cơ thiếu chỉ tiêu sau đợt đầu và phải lên phương án bổ sung tuyển sinh ở các đợt tiếp theo.

Năm 2023, có hơn 200 trong tổng số 322 cơ sở giáo dục đại học áp dụng phương thức xét tuyển sớm, với hơn 375.500 thí sinh trúng tuyển theo diện này. Trong đó, khoảng 147.400 em (gần 40%) đặt xét tuyển sớm làm nguyện vọng một. Mục tiêu ban đầu của phương thức này là tuyển chọn những thí sinh có năng lực vượt trội. Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, xét tuyển sớm thời gian qua lại có lợi cho cả những thí sinh yếu, bởi chỉ cần điểm học bạ đủ điều kiện là có thể trúng tuyển vào đại học. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều học sinh chưa tốt nghiệp THPT đã biết trước mình đỗ đại học, ảnh hưởng đến động lực học tập. Ngoài ra, mỗi trường trước đây có cách quy đổi điểm riêng từ các chứng chỉ như IELTS, SAT, dẫn đến sự chênh lệch lớn khi tính điểm xét tuyển. Khi tích hợp vào hệ thống chung, một số trường có điểm chuẩn tăng vọt, gây mất công bằng trong xét tuyển.

Thay đổi lớn trong tuyển sinh đại học 2025: Học sinh cần chuẩn bị như thế nào? - Ảnh 3.

Theo thống kê, năm 2023, có hơn 200 trong tổng số 322 cơ sở giáo dục đại học áp dụng phương thức xét tuyển sớm.

Một trong những điểm mới quan trọng của quy chế tuyển sinh 2025 là các trường phải quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung để đảm bảo công bằng. Trước đây, mỗi trường có cách quy đổi riêng đối với chứng chỉ IELTS, SAT hay học bạ, dẫn đến sự chênh lệch trong điểm xét tuyển. Giờ đây, tất cả phương thức tuyển sinh phải có công thức quy đổi rõ ràng.

"Ví dụ, nếu một thí sinh có điểm xét tuyển tài năng đạt 90/100 điểm, trường sẽ phải quy đổi sao cho tương đương với điểm thi tốt nghiệp THPT trên thang 30. Khi đó, trường chỉ công bố một mức điểm chuẩn chung, thay vì từng phương thức riêng lẻ. Bên cạnh đó, điểm khuyến khích của các trường cũng bị giới hạn, không vượt quá 10% tổng điểm xét tuyển. Điều này nhằm tránh tình trạng một số trường nâng mức điểm cộng lên quá cao, gây mất công bằng giữa các thí sinh", PGS. Vũ Duy Hải cho biết thêm.

Thay đổi lớn trong tuyển sinh đại học 2025: Học sinh cần chuẩn bị như thế nào? - Ảnh 4.

Theo quy chế tuyển sinh 2025, các trường phải quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung để đảm bảo công bằng.

Cũng theo PGS. Vũ Duy Hải, hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng ba phương thức tuyển sinh. Thứ nhất, phương thức xét tuyển tài năng, dành cho thí sinh có thành tích học tập xuất sắc (giải quốc gia, quốc tế, học sinh trường chuyên…). Hồ sơ được chấm theo thang 100 điểm. Trước đây, thí sinh chỉ cạnh tranh trong nhóm này, nếu đạt điểm chuẩn sẽ trúng tuyển. Thứ hai, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, sử dụng điểm ba môn theo thang 30. Thứ ba, quy đổi điểm giữa các phương thức, các trường phải xây dựng cách quy đổi để đảm bảo công bằng. Ví dụ, nếu xét tuyển tài năng đạt 90/100 điểm có thể tương đương 28 điểm thi tốt nghiệp THPT. Khi công bố điểm chuẩn chung, thí sinh ở cả hai phương thức đều phải đạt mức điểm tương ứng mới trúng tuyển.

Theo thống kê sơ bộ, đến giữa tháng 2, khoảng 70 trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh 2025, dự kiến cơ bản là giữ việc xét tuyển bằng nhiều phương thức.

PGS.Vũ Duy Hải nhấn mạnh 3 nguyên tắc cốt lõi trong tuyển sinh là công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch đối với xã hội. Để đảm bảo những nguyên tắc này, các trường cần có kế hoạch rõ ràng và ổn định trong tuyển sinh. Việc đảm bảo quy đổi điểm chính xác, công bố điểm chuẩn rõ ràng sẽ giúp giảm thiểu sự hoang mang cho học sinh và phụ huynh.

Thay đổi lớn trong tuyển sinh đại học 2025: Học sinh cần chuẩn bị như thế nào? - Ảnh 5.

Việc đảm bảo quy đổi điểm chính xác, công bố điểm chuẩn rõ ràng sẽ giúp giảm thiểu sự hoang mang cho học sinh và phụ huynh.

"Tất cả phương thức xét tuyển đều có tiêu chí rõ ràng, điểm xét tuyển được tính chính xác đến hai chữ số thập phân. Điều này đảm bảo thí sinh từ các phương thức khác nhau được đánh giá công bằng, đồng thời giúp hệ thống tuyển sinh minh bạch, chính xác và hiệu quả hơn", ông Hải khẳng định.

Việc bỏ xét tuyển sớm và áp dụng quy định chặt chẽ hơn trong tuyển sinh đồng nghĩa với việc các trường không còn dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm. Khi đó, chỉ tiêu xét tuyển thẳng sẽ rất hạn chế, chỉ dành cho những thí sinh thực sự xuất sắc, có các giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế.

Trước đây, tâm lý chung của học sinh là tập trung học để đi thi, nhưng với các phương thức xét tuyển đa dạng hiện nay, không chỉ thi cử mới quyết định đỗ đại học. Điều này giúp giảm áp lực cho người học, tạo cơ hội xét tuyển công bằng hơn. Quan trọng hơn, chính sách tuyển sinh cần ổn định và mang tính dài hạn để học sinh và phụ huynh có sự chuẩn bị tốt nhất trong suốt quá trình học tập.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước