Rừng vầu, nứa, luồng ở huyện Quan Sơn bất ngờ chết khô, gây ảnh hưởng đến sinh kế người dân, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Theo nhiều người dân, thực trạng đó đang ở mức "báo động đỏ", đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao trong mùa nắng nóng.
Theo ghi nhận, đợt nắng nóng kéo dài vừa qua đã khiến cây cối khô héo lan rộng khắp các khu vực rừng ở Quan Sơn. Xã Na Mèo là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 1,7 nghìn héc ta vầu bị khô chết. Ông Ngân Phúc Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo, không giấu được sự lo lắng: "Theo thống kê, hiện nay toàn xã đã thiệt hại hơn 1,7 nghìn ha vầu. Đây là một mất mát vô cùng lớn. Chúng tôi đã báo cáo khẩn cấp lên huyện và đồng thời kêu gọi người dân tuyệt đối cẩn trọng, không sử dụng lửa để tránh những hậu quả đau lòng hơn nữa".
Lý giải về tình trạng cây chết khô, ông Lê Kim Du, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn, cho biết đây có thể là một phần của chu kỳ sinh trưởng tự nhiên, hay còn gọi là "khuy sinh học". Tuy nhiên, số lượng lớn cây khô tích tụ lại trở thành nguồn vật liệu dễ cháy nguy hiểm trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt hiện tại.
Người dân đang tranh thủ khai thác trước khi cây vầu khô héo hoàn toàn
Tình trạng vầu, nứa chết hàng loạt đã tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân tộc thiểu số tại Quan Sơn, những người có sinh kế gắn liền với rừng. Ông Hà Văn Học (48 tuổi), nguyên Trưởng bản Yên, xã Mường Mìn, với hơn 30 năm gắn bó với nghề rừng của gia đình, không giấu được sự lo lắng: "Đây là lần thứ hai tôi chứng kiến cảnh cây vầu bị khuy, chết đồng loạt như vậy trong đời. Lần đầu tiên là vào năm 1987. Những năm gần đây cũng có hiện tượng tương tự nhưng chỉ rải rác."
Gia đình ông Học hiện có 3,7 ha vầu và toàn bộ diện tích này đang trong tình trạng ra hoa và dự kiến sẽ chết trong vài tháng tới. "Hiện vợ chồng tôi đang tranh thủ thu hoạch ‘chạy’, được ít nào hay ít đó. Đến khi cây khô hẳn thì không còn giá trị. Bình thường, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ vầu, nhưng năm nay có lẽ chỉ được khoảng 20 triệu cũng đã khó khăn vì chất lượng cây giảm sút. Chúng tôi phải chờ 6-7 năm nữa cây mới có thể cho thu hoạch trở lại. Trong những năm tới, có lẽ tôi phải đi làm thuê để duy trì cuộc sống. Thanh niên trai tráng trong bản có lẽ cũng phải đi làm ăn xa hết." – ông Học buồn bã chia sẻ.
Những rừng vầu chết cháy tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao.
Cùng chung nỗi lo lắng, bà Hà Thị Loan (66 tuổi), người dân tộc Thái ở bản Yên, đang cùng bà con trong bản khẩn trương thu hoạch vầu. Gia đình bà có 15 ha đất rừng, nguồn sống chính của cả gia đình bao năm qua. "Nay nứa vầu chết khô hết, chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào. Chắc chỉ nhặt nhạnh được cây nào còn sống sót để cầm cự qua ngày, chờ vụ mới. Tuổi già sức yếu, không đi làm thuê được, tôi sợ gia đình mình lại tái nghèo." – bà Loan nghẹn ngào nói.
Trước tình hình "báo động đỏ" và những khó khăn chồng chất của người dân, Huyện ủy, UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ rừng được đẩy mạnh. Đồng thời, các phương án ứng phó với tình huống xấu nhất cũng đang được gấp rút xây dựng và củng cố.
Với hơn 82.000 héc ta rừng được xác định là vùng trọng điểm dễ cháy, huyện Quan Sơn đang đối mặt với một thách thức lớn. Sự chung tay của cả cộng đồng, sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền và những giải pháp bền vững cho sinh kế của người dân là vô cùng cần thiết để vượt qua giai đoạn khó khăn này và bảo vệ tài nguyên rừng quý giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!