Thanh Hóa sở hữu đường bờ biển dài 102 km cùng vùng biển rộng 17.000 km², tạo nên một ngư trường trù phú với hệ sinh thái đa dạng. Ảnh: Hà Khải.
Địa phương này hướng tới mục tiêu đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao đời sống ngư dân.
Thanh Hóa sở hữu đường bờ biển dài 102 km cùng vùng biển rộng 17.000 km², tạo nên một ngư trường trù phú với hệ sinh thái đa dạng. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nơi đây đã và đang khẳng định vị thế là một trong những trung tâm phát triển thủy sản quan trọng của cả nước. Vùng ven biển Thanh Hóa gồm 6 huyện, thị xã, thành phố, là khu vực tập trung các hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản. Hiện tại, ngành này thu hút khoảng 25.000 lao động trực tiếp gắn bó với nghề biển.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương và tỉnh, ngành thủy sản Thanh Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và môi trường tỉnh, đến hết năm 2024, toàn tỉnh có hơn 6.500 tàu cá, trong đó hơn 1.100 tàu khai thác xa bờ, gần 900 tàu hoạt động tại vùng lộng và 4.733 tàu đánh bắt ven bờ. Sản lượng khai thác đạt trên 140.000 tấn, vượt chỉ tiêu đề ra, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân.
Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 220 ha nuôi tôm trong nhà màng, nhà lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hà Khải
Không chỉ mạnh về khai thác, Thanh Hóa còn phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo công nghệ cao, ứng dụng nhà màng, nhà lưới đang được triển khai trên diện tích khoảng 220 ha. Ngoài ra, nghề nuôi lồng bè trên biển và sông với thể tích khoảng 70.000 m³ cũng mang lại sản lượng đáng kể, khoảng 1.500 tấn/năm, góp phần đa dạng hóa nguồn cung thủy sản.
Chế biến thủy sản là một trong những lĩnh vực được Thanh Hóa chú trọng đầu tư. Hiện toàn tỉnh có khoảng 80 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó 6 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế. Các sản phẩm chủ lực gồm chả cá surimi, ngao đông lạnh, mắm tôm, mắm tép, bột cá... được xuất khẩu đến nhiều quốc gia, giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh năm 2024 đạt trên 110 triệu USD.
Nhiều sản phẩm chế biến từ thủy sản của Thanh Hóa đã khẳng định được thương hiệu, trong đó nước mắm và mắm tôm Lê Gia là hai sản phẩm OCOP 5 sao tiêu biểu. Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng phát triển của ngành chế biến thủy sản địa phương.
Nước mắm và Mắm tôm Lê Gia, là 2 sản phẩm OCOP 5 sao của Thanh Hóa thuộc lĩnh vực thủy sản.
Dù đạt được nhiều thành tựu, ngành thủy sản Thanh Hóa vẫn đối mặt với không ít thách thức. Sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán; số lượng tàu đánh bắt xa bờ còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng biển. Một bộ phận ngư dân còn thiếu kiến thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dẫn đến tình trạng khai thác chưa bền vững. Đặc biệt, vấn đề khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến uy tín ngành thủy sản của tỉnh.
Để hướng đến sự phát triển bền vững, Thanh Hóa cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần đầu tư nâng cấp tàu thuyền, hiện đại hóa trang thiết bị khai thác, đồng thời nâng cao nhận thức cho ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tăng cường nhằm hạn chế tình trạng khai thác IUU. Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định cho ngành.
Với những lợi thế sẵn có, cộng thêm sự quan tâm của các cấp chính quyền và nỗ lực của ngư dân, ngành thủy sản Thanh Hóa đang từng bước phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!