"Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân" - Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một nét đẹp văn hóa đầu xuân đầy ý nghĩa. Tròn 65 năm kể từ khi Tết trồng cây ra đời, phong trào này không chỉ mang lại những cây xanh tươi mát mà còn là lời hứa về một tương lai tươi sáng, xanh hơn và sạch hơn.
Cây đa Yên Bồ, cây đa cuối cùng mà Bác trồng vào dịp Tết trồng cây, giờ không chỉ là di tích lịch sử, mà còn là biểu tượng sống, thể hiện một nét văn hóa mới của cộng đồng nơi đây.
Năm 1965, người dân thôn Yên Bồ phủ xanh đồi cây với mong muốn được đón Bác về thăm. Năm 1969, thỏa lòng chờ mong, rừng cây đã được đón Bác. Từ đó cái tên "Rừng cây đón Bác" còn tới ngày nay.
Bà Chu Thị Hội, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội cho biết: "Chỗ này thuộc là rừng cây đón Bác về, Bác đã trồng cây ở đây thì dân rất là tự hào. Cứ đến Tết xuân về là chúng tôi lại vận động là đi trồng cây đấy để đời đời. Nhớ ơn Bác, Bác đã về đây có thấy là trồng cây đa này".
Không chỉ trồng mới, nhiều ý tưởng hồi sinh cây Tết cũng được lan tỏa và duy trì. Con đường này đã được nhóm tình nguyện tại khu vực chùa Hương, Hà Nội cất công xin cây chơi Tết của người dân trong xã về trồng.
Chị Trịnh Thị Vinh, Trưởng nhóm tình nguyện Hồi sinh cây Tết, xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội chia sẻ: "Chỉ sau ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết thì những cây đào, cây quất này lại trở thành không đồng và thậm chí trở thành rác thành củi. Vì thế chúng mình thấy rất là tiếc, cây đào, cây quất để ở trong nhà không có người chăm sóc, nó bị héo đi, rất phí nên hội mình làm".
Tròn 65 Tết trồng cây, mỗi mùa xuân đến trên khắp cả nước, mỗi mầm cây lại được ươm trồng với ước mong đất nước phát triển giàu mạnh, môi trường sống thêm xanh và cải thiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!