Hơn 600 sản phẩm sữa giả đã xâm nhập thị trường, tận dụng cơ chế tự công bố để hợp pháp hóa và được quảng bá rầm rộ qua những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Không chỉ dừng lại ở sữa, một loại thực phẩm khác – kẹo rau củ, cũng bị phát hiện với chất lượng không đạt chuẩn, được tiêu thụ rộng rãi thông qua cùng cơ chế quản lý lỏng lẻo. Tình trạng hàng giả liên tục xuất hiện và lan rộng đặt ra câu hỏi: trách nhiệm thuộc về ai?
Lượng sữa thu giữ được khi cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả
Một sản phẩm bị coi là hàng giả nếu giá trị hoặc công dụng của nó giảm xuống dưới 70% so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tối thiểu. Đây là vấn đề lớn trong vụ việc liên quan đến sữa giả trên thị trường. Hiệp hội Sữa Việt Nam đã khẩn cấp gửi văn bản đến các Bộ Công an, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, nhấn mạnh rằng việc sử dụng sữa giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Văn bản kiến nghị các Bộ cần phối hợp chặt chẽ để tăng cường kiểm soát và ngăn chặn hàng giả đội lốt sản phẩm dinh dưỡng.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được phép tự công bố chất lượng, thành phần, công dụng sản phẩm thực phẩm mà không cần sự thẩm định trước của cơ quan chuyên môn. Chính cơ chế này đang bị lợi dụng để hợp pháp hóa những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, qua mặt người tiêu dùng một cách hợp pháp trên giấy tờ.
Luật An toàn thực phẩm đã quy định rõ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm thuộc về các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, cùng với các Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó, Nghị định 15 được ban hành nhằm đơn giản hóa hồ sơ, trình tự và thủ tục, tập trung vào các giấy tờ công bố sản phẩm. Cụ thể, đối với sản phẩm tự công bố, các cá nhân, doanh nghiệp phải thực hiện tự công bố chất lượng sản phẩm trước khi đưa các mặt hàng như đồ uống và sữa đóng gói ra thị trường. Đối với sản phẩm bắt buộc phải đăng ký công bố như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng, y học cần phải đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu hành.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Đại diện Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự, cho biết: "Việc tự công bố chất lượng sản phẩm là để doanh nghiệp tự chủ động, giảm bớt thủ tục hành chính. Tuy nhiên, chính kẽ hở này đang bị lợi dụng để hợp pháp hóa hàng giả. Doanh nghiệp có thể tự công bố sản phẩm mà không có thẩm định trước, trong khi khâu hậu kiểm lại rất yếu, thiếu thiết bị, thiếu nhân lực, và thậm chí có tiêu cực".
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, đại diện Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự, cho biết trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý sữa giả, thực phẩm giả
Với những sản phẩm như sữa hoặc thực phẩm dinh dưỡng, hậu quả tiêu dùng hàng giả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em, người già, người bệnh. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa phân định rõ trách nhiệm.
"Bộ Y tế có trách nhiệm trong việc cấp phép, kiểm tra, thanh tra chất lượng sản phẩm; Bộ Công Thương quản lý mặt hàng sữa và hoạt động của các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý địa bàn; Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua mạng. Trách nhiệm không thuộc về một cơ quan duy nhất mà là sự phối hợp của nhiều bộ ngành", ông Bách phân tích.
Một góc khuất đáng lo ngại khác: Sản phẩm giả đang được quảng bá trên mạng xã hội bằng người nổi tiếng, thậm chí là bác sĩ. Trong khi luật hiện hành chưa quy định cơ quan nào kiểm soát hoạt động này, thì những cá nhân có sức ảnh hưởng lớn đang vô hình trở thành cầu nối đưa hàng giả đến tay người tiêu dùng. Không chỉ trên mạng, nhiều sản phẩm kém chất lượng còn len lỏi vào các bệnh viện.
Tại các cổng bệnh viện, dễ dàng mua được các sản phẩm sữa dinh dưỡng nhưng không phải người bán nào cũng nắm được nguồn gốc và chất lượng sữa.
"Cần sớm bổ sung quy định xử phạt nghiêm minh. Trong trường hợp có vi phạm, người nổi tiếng không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, việc lợi dụng danh tiếng hoặc nghề nghiệp để quảng bá sai lệch có thể được xem là tình tiết tăng nặng theo quy định pháp luật hiện hành", ông Bách nhấn mạnh.
Ông Bách cho rằng, việc các sản phẩm kém chất lượng len lỏi vào các bệnh viện cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý. Trước hết, trách nhiệm thuộc về bệnh viện khi để hàng giả, hàng nhái lọt vào. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chưa thực hiện đầy đủ việc thanh tra, hậu kiểm, khiến sản phẩm kém chất lượng len lỏi vào nơi có nhu cầu cao như bệnh viện. Ngoài ra, sự chồng chéo trong quản lý và thiếu kết nối thông tin giữa các địa phương khiến vi phạm không được xử lý triệt để. Đặc biệt, người tiêu dùng còn thiếu thông tin, thiếu cảnh giác, dễ bị đánh lừa bởi hình thức và quảng cáo.
"Người tiêu dùng bị ảnh hưởng có quyền khởi kiện, yêu cầu đền bù theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, họ cần chuẩn bị các chứng cứ: quảng cáo sai sự thật, sản phẩm thực tế, tem nhãn, hóa đơn,... Trong trường hợp gặp khó khăn về pháp lý, người dân có thể nhờ đến luật sư hoặc tổ chức hỗ trợ pháp lý", ông Bách cho biết thêm.
Nhiều người dân mua phải sữa giả, thực phẩm chức năng giả khi tin vào quảng cáo
Dù bằng chứng đã rõ ràng, nhưng các đối tượng trong đường dây sản xuất và buôn bán sữa giả vẫn quanh co chối tội. Đây là lời khai của người giữ vai trò giám đốc, cũng chính là "ông trùm" trong đường dây sữa giả quy mô lớn vừa bị triệt phá: "Tổng tất cả các cái hàm lượng dinh dưỡng mà nó ở trên cái thông tin dinh dưỡng thì chúng tôi không kiểm tra nên dẫn đến là nó mới có sự sai phạm như thế".
Từ lời khai lấp liếm đó, có thể thấy: người tiêu dùng không thể đặt niềm tin vào lương tâm của những kẻ buôn bán thực phẩm giả. Vấn đề lúc này không chỉ là xử lý vụ việc cụ thể, mà là phải nhìn thẳng vào những câu hỏi lớn: Ai đang kiểm soát hoạt động tự công bố chất lượng sản phẩm? Ai chịu trách nhiệm khi hàng giả được quảng bá công khai trong bệnh viện bởi người nổi tiếng và cả bác sĩ? Và các cơ quan quản lý đang ở đâu khi người tiêu dùng phải tự mình đối mặt với rủi ro, trong khi sức khỏe cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng?
Nếu không khẩn trương rà soát và siết chặt trách nhiệm trong công tác quản lý, những vụ việc tương tự sẽ còn tiếp diễn, để lại hậu quả nặng nề, "tiền mất, tật mang".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!