Những ngày gần đây, đề xuất tăng mức xử phạt và siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong bối cảnh Quốc hội cũng đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi Luật Quảng cáo, câu hỏi đặt ra là: Mức xử phạt như thế nào mới đủ sức răn đe? Và người tiêu dùng cần làm gì để tự bảo vệ mình giữa ma trận quảng cáo thật giả lẫn lộn?
Ngày 4/4, Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội sản xuất hàng giả, lừa dối khách hàng.
Hiện tượng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm hay lợi dụng danh tiếng của những người nổi tiếng trên mạng để dẫn dắt hành vi tiêu dùng đã không còn là chuyện hiếm gặp. Đáng chú ý, vụ việc hai cá nhân có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội là Quang Linh Vlog và Hằng Du mục bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 4/4 với cáo buộc lừa dối khách hàng đã khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Nguy hiểm hơn, hậu quả của những hành vi này không dừng lại ở việc "tiền mất tật mang". Trong không ít trường hợp, việc sử dụng các sản phẩm bị quảng cáo sai lệch còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Theo quy định của pháp luật, mọi cá nhân nếu thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, với những người có sức ảnh hưởng lớn thì tác động xã hội do hành vi sai phạm gây ra thường nghiêm trọng hơn rất nhiều, nhất là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Thoa, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết: "Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được chỉnh lý với nhiều điểm mới quan trọng, nhằm theo kịp với sự phát triển của mạng xã hội và xu hướng thương mại điện tử hiện nay".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Thoa, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chia sẻ về những điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Một trong những điểm đáng chú ý là chuyển hướng quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, thay vì cấp phép và kiểm duyệt trước như trước đây, luật sẽ quy định rõ quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia quảng cáo. Khi phát sinh vi phạm, các hình thức xử lý sẽ được áp dụng bao gồm xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật, hình sự hoặc buộc bồi thường thiệt hại.
"Hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm quảng cáo đang được quy định tại Nghị định 38 và Nghị định 24, với mức phạt tối đa là 400 triệu đồng cho tổ chức. Tuy nhiên, mức này còn quá nhẹ so với lợi nhuận mà các cá nhân, tổ chức thu được từ việc quảng cáo sai sự thật, nhất là với những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Do đó, việc đề xuất tăng mức xử phạt là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để tăng tính răn đe", bà Thoa nhấn mạnh.
Ngoài hình phạt chính như phạt tiền, dự thảo Luật cũng đề cập đến các biện pháp bổ sung như tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép nhằm ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm.
Lần đầu tiên, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của những người truyền tải sản phẩm quảng cáo, bao gồm cả KOL, KOC và người nổi tiếng trên mạng. Theo bà Thoa, đây là nhóm có ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng, vì vậy cần được kiểm soát chặt chẽ.
Luật Quảng cáo năm 2012 ra đời trong bối cảnh mạng xã hội chưa phát triển mạnh như hiện nay. Các quy định về quảng cáo trên mạng còn rất chung chung, thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả. Dự thảo lần này đã cập nhật các quy định cụ thể hơn, không chỉ với cá nhân, mà cả các nền tảng mạng xã hội, các trang thương mại điện tử.
Trước đây, sau mỗi sai phạm, đa số người nổi tiếng chỉ cần đóng một mức phạt từ vài triệu đến vài chục triệu, lên clip xin lỗi hay thậm chí là im lặng một thời gian rồi tìm cách quay lại.
"Dự thảo Luật quy định rõ: nền tảng mạng xã hội phải cung cấp chức năng nhận biết quảng cáo, hiển thị rõ nội dung được tài trợ, đồng thời phải gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Nếu không thực hiện, cơ quan nhà nước sẽ có quyền áp dụng các biện pháp để xử lý", bà Thoa cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, sau loạt vụ việc vi phạm như Quang Linh Vlog hay Hằng Du mục bị khởi tố vì quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng đã trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, trong một không gian mạng phức tạp và khó kiểm chứng như hiện nay, niềm tin vẫn dễ dàng bị mua bán, đánh tráo nếu người tiêu dùng không đủ tỉnh táo và trang bị kỹ năng phòng vệ thông tin.
Khung pháp lý hiện nay đã có, các chế tài cũng đang được siết chặt. Đồng thời, các nền tảng công nghệ cũng buộc phải nâng cấp hệ thống lọc và cơ chế kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với các nhà sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là chính những người làm nội dung cần nhìn nhận lại trách nhiệm xã hội của mình, thay vì chỉ chạy theo lượt xem và lợi nhuận.
Về phía người tiêu dùng, hơn ai hết, cần tự trang bị cho mình kỹ năng phòng vệ thông tin, không nên dễ dàng đặt niềm tin chỉ vì vài lời quảng cáo có cánh từ những gương mặt nổi tiếng. Niềm tin, một khi bị lợi dụng sai mục đích, có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho những hành vi trục lợi.
Chỉ khi nào mỗi mắt xích trong hệ sinh thái số từ cơ quan quản lý, nền tảng công nghệ, người sáng tạo nội dung đến chính người tiêu dùng cùng hành động có trách nhiệm, khi đó chúng ta mới có thể kiến tạo một thị trường thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh và phát triển đúng với tiềm năng kinh tế số mà Việt Nam đang hướng tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!