"Sự cố thi công Metro tại Hà Nội không ảnh hưởng đến kết cấu nhà người dân"

Phùng Anh-Thứ sáu, ngày 21/02/2025 17:43 GMT+7

bangdatally.xyz - Theo đại diện MRB, hiện tượng bùn trào không gây tác động đến kết cấu nhà cửa. Phụ gia sử dụng khoan hầm là một loại vật liệu làm từ đất sét, thân thiện với môi trường.

Vật liệu sử dụng trong quá trình khoan hầm là vật liệu thân thiện với môi trường

Liên quan đến sự cố phụ gia đào hầm Metro trào ngược lên trên mặt đất, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thay mặt Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, nhà thầu thi công và tư vấn công trình xin lỗi người dân vì sự bất tiện trong quá trình thi công tuyến hầm này, đã ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, ông Sơn khẳng định: "Vật liệu sử dụng trong quá trình khoan hầm, đặc biệt là vữa khoan, đã được kiểm định chặt chẽ, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân".

Trưởng kỹ sư hầm của Tư vấn Systra (Cộng hòa Pháp) Sergei Papin cũng thông tin: "Hiện tượng bùn trào thường không gây tác động đến kết cấu nhà cửa. Bùn trào có thể gây mất vệ sinh và ảnh hưởng tạm thời đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên, vật liệu sử dụng trong quá trình khoan hầm là Bentonite – một loại đất sét kết hợp phụ gia giúp tăng độ 'trương nở', đây là loại vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tự phân hủy và đã được kiểm định an toàn".

Sự cố thi công Metro tại Hà Nội không ảnh hưởng đến kết cấu nhà người dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin về sự cố ngày 20/2.

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, trong quá trình khoan hầm, việc xảy ra sự cố là khó tránh khỏi. Quá trình khoan hầm dùng Robot TBM, áp dụng công nghệ cân bằng áp lực đất. Máy sẽ tạo ra một áp lực vào diện tích đất ở trước mũi khoan để đảm bảo cân bằng về áp lực và chống sụt lún ở phía bên trên.

Để tạo ra áp lực đó nhà thầu sử dụng một loại vữa, gọi là phụ gia khoan hầm để gia cố nền đất phía trước, cũng như trộn với đất để đưa ra phía sau. Quá trình bơm áp lực vữa ra phía trước sẽ diễn ra bình thường nếu không có các lỗ rỗng ở trong đất.

Như nhà thầu giải thích, theo đánh giá của nhà thầu thì trong khu vực mà máy đi qua có những vị trí có những giếng khoan trước đây người dân sử dụng, nhưng nay không sử dụng nữa và không được lấp lại tạo nên những lỗ rỗng ở dưới mặt đất, hoặc có thể là những vết nứt của đất và vữa khoan theo đó đùn lên bên trên.

Chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu và tư vấn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiêu chuẩn Châu Âu được duyệt cho dự án. Trước khi khoan hầm, công tác khảo sát và lập báo cáo đã được thực hiện chặt chẽ, cùng với các kịch bản ứng phó khi có sự cố.

Sự cố thi công Metro tại Hà Nội không ảnh hưởng đến kết cấu nhà người dân - Ảnh 2.

Sự cố phụ gia đào hầm metro phun lên mặt đất tại ngõ 7 phố Giang Văn Minh.

Khi sự cố xảy ra, một số người dân tại ngõ 7 Giang Văn Minh bày tỏ lo ngại về việc các kết cấu công trình bên trên có thể bị ảnh hưởng. Liên quan đến vấn đề này ông Sơn cho biết: "Khi máy khoan hầm khoan đến đâu thì phía sau ngay lập tức sẽ được lắp vỏ hầm. Sau khi lắp vỏ hầm thì theo quy trình của dự án sẽ phải bơm vữa kín vào vỏ hầm. Và như vậy toàn bộ lỗ rỗng khi máy khoan khoan qua sẽ được lấp kín và thậm chí các vị trí vỏ hầm đã lắp còn có cường độ tốt hơn mà các vị trí không có vỏ hầm. Cho nên lo ngại của người dân về tác động của máy khoan đối với kết cấu của các công trình bên trên thì chúng tôi xin khẳng định là không đáng lo ngại".

"Sự việc xảy ra ngày 20/2 đã được xử lý theo đúng kịch bản dự tính. Trong hơn 3 tiếng, chúng tôi đã giải quyết hoàn toàn sự cố, hút toàn bộ bùn trào lên và làm sạch khu vực ngõ 7 phố Giang Văn Minh. Đến 20h30 ngày 20/2, công tác dọn dẹp đã hoàn tất, tuy nhiên vẫn có một số vị trí xuất hiện bọt khí. Nhà thầu đang thường trực tại hiện trường để xử lý triệt để. Dự kiến đến hết ngày 21/2, hiện tượng này sẽ chấm dứt hoàn toàn", ông Sơn nói.

Để hạn chế tối đa sự việc tương tự, MRB tiếp tục phối hợp với tư vấn và nhà thầu để đánh giá chính xác nguyên nhân, từ đó đề ra biện pháp cải thiện trong quá trình thi công. Nhà thầu cũng được yêu cầu tăng cường tập huấn công tác ứng phó nhằm đảm bảo xử lý nhanh nhất khi có sự cố xảy ra.

"Hiện tại, quá trình khoan hầm đã đạt 1.200m và được thực hiện an toàn. Các thông số đo đạc về độ lún, độ nghiêng của công trình trên tuyến hầm đều nằm trong ngưỡng cho phép. Theo kế hoạch, máy khoan hầm sẽ đến ga Cát Linh vào đầu tháng 3 và toàn bộ hai ống hầm sẽ hoàn thành trong năm 2025 theo đúng tiến độ", ông Sơn cho biết thêm.

Các kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố đã được chuẩn bị trước

Ông Salvatore, Trưởng nhóm kỹ sư TBM cho biết, đối với dự án này nhà thầu đã xây dựng các kế hoạch dự phòng cho những tình huống bất khả kháng hoặc bất thường. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà thầu vẫn đang tuân thủ và thực hiện các phương án dự phòng cho tình huống vừa qua.

Về kế hoạch ứng phó khẩn cấp, nhà thầu đã triển khai theo các phương án đã được đề ra và phê duyệt từ trước. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, không thể dự đoán và phòng ngừa một cách chính xác 100% mọi tình huống có thể phát sinh.

Sự cố thi công Metro tại Hà Nội không ảnh hưởng đến kết cấu nhà người dân - Ảnh 3.

Ông Salvatore, Trưởng nhóm kỹ sư TBM.

"Trước khi khoan hầm, chúng tôi đã tiến hành khảo sát chi tiết các công trình ngầm và nổi dọc theo tuyến hầm. Nhà thầu, cùng với đơn vị tư vấn, chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đã trực tiếp khảo sát, phỏng vấn các hộ dân có nhà cửa, công trình nằm trong phạm vi dự án. Qua đó, chúng tôi xác định các kết cấu ngầm bên dưới và các yếu tố liên quan, nhằm dự báo những khu vực có nguy cơ phát sinh sự cố hoặc tình huống khẩn cấp", ông Salvatore nói.

Dựa trên kết quả khảo sát, nhà thầu đã đưa các yếu tố rủi ro vào kế hoạch quản lý và thống nhất quy trình ứng phó khẩn cấp với chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư. Quy trình này đã được áp dụng cho tình huống vừa qua.

Trước khi thi công, nhà thầu đã lập danh sách chi tiết các rủi ro có thể xảy ra và đề ra các giải pháp nhằm hạn chế, phòng ngừa và giảm thiểu tác động của sự cố. Trường hợp bùn trào lên mặt đất đã nằm trong dự báo từ trước. Để đảm bảo ổn định nền đất trong quá trình khoan, nhà thầu buộc phải thi công dưới áp lực cao, nhằm duy trì sự ổn định của lòng đất và giảm thiểu ảnh hưởng lên bề mặt.

Ông Salvatore lý giải: "Trong tình huống này, chúng tôi chấp nhận phương án để bùn phun trào và tiến hành dọn dẹp sau đó, thay vì giảm áp lực đào. Nếu giảm áp lực, nền đất có thể trở nên bất ổn định, gây ra sụt lún nghiêm trọng hơn và dẫn đến những rủi ro lớn hơn".

Sự cố thi công Metro tại Hà Nội không ảnh hưởng đến kết cấu nhà người dân - Ảnh 4.

Công nhân luôn có mặt túc trực tại hiện trường để để theo sát diễn biến, có biện pháp ứng phó kịp thời.

Mặc dù nhà thầu đã tiến hành khảo sát địa chất và công trình dọc tuyến để lập kế hoạch khoan với các thông số kỹ thuật phù hợp, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình đào, có thể xuất hiện các chướng ngại vật không lường trước như giếng khoan chưa khai báo, hố khoan địa chất hoặc các khoảng rỗng ngầm, dẫn đến hiện tượng bùn trào lên mặt đất.

Sự cố thi công Metro tại Hà Nội không ảnh hưởng đến kết cấu nhà người dân - Ảnh 5.

Ông Sergei Papin, Trưởng kỹ sư hầm của Tư vấn Systra (Cộng hòa Pháp).

Ông Sergei Papin, Trưởng kỹ sư hầm của Tư vấn Systra (Cộng hòa Pháp) cho hay: "Chúng tôi từng gặp tình huống tương tự khi khoan qua một khu vực có giếng khoan của nhà dân nhưng không được khai báo từ trước. Khi những công trình ngầm này không được xác định và xử lý kịp thời, rủi ro phun trào bùn sẽ xảy ra. Vì vậy, tôi khuyến nghị người dân cung cấp thông tin chính xác về công trình ngầm khi nhà thầu hoặc chính quyền tiến hành khảo sát, giúp chúng tôi đưa vào thiết kế và lập phương án ứng phó kịp thời".

"Về biện pháp thi công, các thông số kỹ thuật đã được tính toán kỹ lưỡng, và nhà thầu buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn, tránh phát sinh rủi ro khác. Chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của người dân để giúp dự án triển khai thuận lợi, hạn chế tối đa những sự cố tương tự trong tương lai", ông Sergei Papin chia sẻ.

Sự cố thi công Metro tại Hà Nội không ảnh hưởng đến kết cấu nhà người dân - Ảnh 6.

Trong thời gian tới, đại diện MRB cam kết tiếp tục giám sát chặt chẽ, phối hợp với tư vấn và nhà thầu để hạn chế tối đa sự cố phát sinh. Trong trường hợp có những thiệt hại, hỏng hóc về tài sản của các gia đình nằm trong tuyến nhà thầu sẽ có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người dân.

"Trong quá trình khoan hầm, hợp đồng MRB ký với nhà thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm trong việc quan trắc, giám sát các công trình trên tuyến hầm. Nhà thầu đã lắp đặt đầy đủ các thiết bị trên các tòa nhà, trên các công trình mà tuyến hầm đi qua để quan trắc và theo dõi. Nhà thầu cũng đã phải mua bảo hiểm cho các sự cố nếu có, do vậy trong trường hợp nếu có hư hại đối với các công trình thì nhà thầu sẽ phải có trách nhiệm đền bù các thiệt hại đó", ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin.

Sự cố ngày 20/2 là tình huống đã được dự đoán trước và xử lý kịp thời. Hiện tại, công tác thi công tuyến metro vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước