Sơn La phát triển bền vững: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Duy Trung-Thứ sáu, ngày 28/03/2025 19:16 GMT+7

Vùng chè nguyên liệu xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu

bangdatally.xyz - Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã và đang là quyết sách chiến lược của Đảng và Nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La.

Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã và đang là quyết sách chiến lược của Đảng và Nhà nước, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La. Sau 4 năm triển khai quyết liệt, chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân nơi đây.

Ưu tiên giải quyết nhu cầu thiết yếu cho đồng bào vùng cao

Tại huyện Yên Châu, một địa phương biên giới với 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những khó khăn về nước sinh hoạt luôn là nỗi trăn trở của người dân, đặc biệt là vào mùa khô hạn. Nhờ triển khai dự án hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán thuộc Chương trình 1719, gần 2.500 hộ dân tộc thiểu số tại 14 xã đã được hỗ trợ téc chứa nước với tổng kinh phí hơn 7,2 tỷ đồng từ năm 2022 đến nay.

Sơn La phát triển bền vững: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Người dân xã Chiềng Đông được hỗ trợ téc nước

Ông Nguyễn Văn Mã, người dân bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi phải dùng ống nứa dẫn nước từ khe suối về. Mùa khô, nước cạn kiệt, phải đi lấy xa rất vất vả. Từ khi có téc nước hỗ trợ, gia đình tôi đầu tư thêm đường ống nhựa, có nước sạch dùng, không còn lo thiếu nước vào mùa khô nữa."

Tương tự, tại huyện Sông Mã, nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 87%, Chương trình 1719 cũng đã tạo ra những thay đổi đáng kể. Với địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, việc đầu tư hơn 200 tỷ đồng để xây dựng 122 công trình, trong đó 81 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và lưu thông hàng hóa.

Sơn La phát triển bền vững: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Cây cầu nối liền bản Ỏ và bản Nong Phạ, xã Mường Sai, huyện Sông Mã, được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 1719

Cây cầu treo trước đây nối liền bản Ỏ và bản Nong Phạ, xã Mường Sai, huyện Sông Mã đã được thay thế bằng một cây cầu cứng vững chắc, dài hơn 106 mét, rộng 4 mét, với tổng vốn đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 1719. Ông Lường Văn Luấn, người dân bản Ỏ, phấn khởi cho biết: "Có cầu bê tông, dân bản chúng tôi mừng lắm. Giờ đây, ô tô vào tận bản, việc vận chuyển nông sản dễ dàng hơn, ai cũng nghĩ đến việc trồng trọt để tăng thu nhập."

Phát triển bền vững: Mục tiêu trọng tâm của Chương trình 1719

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La được giao hơn 8.690 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong đó hơn 4.151 tỷ đồng đã được phân bổ cho các địa phương. Chương trình tập trung vào 10 dự án trọng điểm, bao gồm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp dân cư; hỗ trợ bảo vệ rừng và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển giáo dục, đào tạo; bảo tồn văn hóa truyền thống; chăm sóc sức khỏe; bình đẳng giới; và đầu tư cho các dân tộc rất ít người.

Sơn La phát triển bền vững: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn được hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 1719.

Ông Thào Xuân Nếnh, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: "Sau 4 năm triển khai, chương trình đã giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho gần 600 hộ; xây dựng hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung và phân tán; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; ổn định dân cư tại các vùng khó khăn; xây dựng và sửa chữa hàng trăm công trình giao thông, giáo dục, văn hóa, thủy lợi; đào tạo nghề cho hàng nghìn người. Đặc biệt, đã hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế cho đồng bào dân tộc La Ha tại các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La."

Những nỗ lực này đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm xuống còn 14,2%. Tỷ lệ xã và bản có đường ô tô đến trung tâm đạt lần lượt 97,5% và 75,2%. 100% trường học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, và 98% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Sơn La phát triển bền vững: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Trường THCS Chiềng Đông, Huyện Yên Châu được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 1719

Năm 2025 là năm cuối của giai đoạn I triển khai Chương trình MTQG 1719. Tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả các dự án, đồng thời huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.

Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình cũng được tăng cường. Mục tiêu đến năm 2025 là giảm từ 4-5% số hộ nghèo, cận nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Chương trình MTQG 1719 đang thực sự là một động lực mạnh mẽ, mở ra những triển vọng tươi sáng cho tương lai của đồng bào các dân tộc thiểu số Sơn La.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước