Sôi nổi phong trào hiến đất tại Thanh Hóa

Phương Anh, Mạnh Hùng, Nguyễn Hải, Trà My, Bằng Việt, Dương Dũng-Thứ sáu, ngày 14/03/2025 13:14 GMT+7

bangdatally.xyz - Phong trào hiến đất tại Thanh Hóa đã góp phần quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn.

Những khó khăn, vướng mắc của công tác hiến đất

Việc hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo vùng quê và cải thiện đời sống của người dân. Tại Thanh Hóa, nhiều địa phương đã triển khai kế hoạch và lộ trình thực hiện Cuộc vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng các tuyến đường huyện, xã, thôn, ngõ xóm, tổ liên gia. Công việc này cũng kết hợp với việc di chuyển các cột điện, cột viễn thông, xây dựng hệ thống thoát nước, chỉnh trang lại nhà cửa, cổng ngõ, tường rào, và trồng cây xanh.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của quá trình triển khai, vẫn gặp phải không ít khó khăn và vướng mắc. Một số hộ dân tại thôn 7, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa vẫn đang chờ đợi các giải pháp hợp lý hơn để thực hiện việc hiến đất làm đường. Các bức tường đã được đánh dấu bằng mốc sơn đỏ để chuẩn bị phá dỡ, nhưng việc này vẫn chưa thể thực hiện ngay.

Người dân xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Gia đình chưa đồng ý vì gia đình hẹp, có tý ở trước thôi, nấu ăn còn nấu ở sân đây này, gia đình tôi kinh phí thì không có, không bỏ ra để làm được"

Sôi nổi phong trào hiến đất tại Thanh Hóa - Ảnh 1.

Không có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện công tác sửa chữa, cùng với lo ngại về việc giá trị tài sản của các hộ dân quá cao, là hai trong số rất nhiều khó khăn mà công tác vận động hiến đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gặp phải. Những vấn đề này đã và đang gây ra không ít trở ngại trong việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng, khi mà việc thuyết phục người dân hiến đất gặp phải sự e ngại và những rào cản về tài chính.

Ông Lê Khắc Bảo - Chủ tịch UBND xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Các hộ rất băn khoăn vì giá trị đất cao nhưng chúng tôi tuyên truyền giải thích và lấy lợi ích chung của cộng đồng".

Ông Khương, là một trong những gia đình tiên phong trong xã trong việc hiến đất, và như nhiều hộ gia đình khác đã hiến đất, ông đang rất mong muốn sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là nguyện vọng chính đáng của gia đình ông, khi mà việc hoàn thiện thủ tục giấy tờ sẽ giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp và sự ổn định cho mảnh đất mà gia đình đã hiến tặng cho các dự án phát triển cộng đồng.

"Người dân hiến đất, số hộ đi vắng hoặc đi làm ăn xa. Giấy chứng nhận đã cấp thì thế chấp ở một số ngân hàng tín dụng, trích lục giấy quyền sử dụng đất cho dân còn nhiều vướng mắc. Trong thời gian tới sẽ cố gắng hoàn thiện về quyền sử dụng đất cho dân" - Ông Trịnh Khắc Trúc - Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Theo ông Lê Văn Tuấn- Bí thư Đảng ủy huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa: "Việc hiến đất chưa thành một phong trào rộng lớn, chưa đạt được mong muốn đã đề ra nên huyện Triệu sơn đã ban hành nghị quyết số 12 ngày 22/7/2022 tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng đường giao thông, hướng tới tương lai và đạt mục tiêu đô thị nên huyện đã quy định mặt cắt đường thôn từ 6,5m trở lên, đường xã 7,5m, đường huyện 10,5m trở lên"

Sôi nổi phong trào hiến đất tại Thanh Hóa - Ảnh 2.

Khó khăn, vướng mắc thì còn. Nhưng trong công tác vận động hiến đất của tỉnh Thanh Hóa cho đến nay cơ bản đã nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân.

Kết quả của công tác vận động hiến đất tại tỉnh Thanh Hóa

Để cuộc vận động thực sự hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đã giao chỉ tiêu vận động hiến đất cho từng huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; có Văn bản hướng dẫn 1 cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau khi đã hiến đất theo quy định, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện và người dân không phải nộp lệ phí đo đạc, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do Nhà nước chịu trách nhiệm bố trí kinh phí.

Ông Lê Sỹ Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa cho biết, giai đoạn 2020 - 5/2024, toàn tỉnh đã có 52.000 hộ gia đình, cá nhân hiến hơn 266 ha đất với giá trị khoảng 2.700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng gần 2.000 km đường giao thông và nhiều công trình hạ tầng công cộng khác. Một số địa phương làm tốt như: Triệu Sơn, Thiệu Hoá, Đông Sơn,…Theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm" hoặc những công trình nhân dân làm được thì trao quyền cho người dân tự làm. Ví dụ như Hoàng Hóa, Triệu Sơn, Đông Sơn, bà con tự xây dựng thôn kiểu mẫu, phần lớn do bà con địa phương và nhân dân đóng góp."

"Mục tiêu đặt ra là đến 2030 cả tỉnh sẽ thực hiện được 3.600 km đường giao thông và 400 công trình hạ tầng công cộng khác. Cần phải tiếp tục vận động 1 cách sáng tạo, gần dân sát dân để phù hợp với điều kiện của từng địa phương" - ông Lê Sỹ Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa cho biết.

Sôi nổi phong trào hiến đất tại Thanh Hóa - Ảnh 3.

Sôi nổi phong trào hiến đất tại Thanh Hoá

Chỉ tính riêng giai đoạn 2024 - 2025, toàn tỉnh vận động Nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang ít nhất 1.100 km đường giao thông (đường huyện, đường xã và đường thôn, bản, ngõ xóm) và 60 công trình công cộng khác. Phong trào hiến đất diễn ra sôi nổi, tạo ra một bầu không khí thi đua giữa các địa phương, cũng như giúp thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thông mới.

Để ủng hộ phong trào hiến đất làm đường, xã, Thiệu Hóa đã vận động thành công hơn 7.700 hộ dân, hiến được hơn 122.000 mét vuông đất. Gia đình ông Tuấn là một trong những hộ tiên phong đi đầu về thực hiện phong trào hiến đất, từ đó, bà con hàng xóm cũng đồng thuận và làm theo.

Không chỉ hiến đất ở mà gia đình bà Hà còn hiến cả đất ruộng với tổng chiều dài hơn 100 mét để mở rộng kênh mương, góp phần nâng cấp hệ thống thủy lợi, giúp bà con nông dân trong xã giảm bớt khó khăn trong việc tưới tiêu.

Phong trào hiến đất làm đường được phổ biến trên khắp các huyện của tỉnh Thanh Hóa. Với tỉ lệ số thôn tham gia đạt 100%, huyện Triệu Sơn là huyện đi đầu phong trào này. Việc hiến đất mở rộng đường không chỉ giúp giao thông thuận tiện hơn, mà còn làm tăng giá trị của chính những ô đất thổ cư trong vùng.

Sôi nổi phong trào hiến đất tại Thanh Hóa - Ảnh 4.

Không những được mở rộng, những con đường nông thôn giờ còn được nâng cấp về chất lượng cơ sở hạ tầng và cảnh quan xung quanh. Điều đặc biệt là số tiền vốn phần lớn đến từ nguồn xã hội hóa.

Ông Lê Đình Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Riêng năm 2024 thì xã kêu gọi được hơn 4 tỉ để làm kênh mương, để cho bà con nhân dân giúp là sửa chữa nhà văn hóa, và một số hạ tầng như làm lu làm lèn, làm điện sáng. Năm ngoái chúng tôi vừa tưới nhựa và bê tông hóa mới được 7km rưỡi, năm nay đang phấn đấu từ 7-9km"

Khởi nguồn từ những cuộc vận động các hộ dân đơn lẻ rồi dần dần đẩy mạnh phong trào lên cấp toàn huyện. Huyện Triệu Sơn đặt mục tiêu chiều rộng mặt cắt đường cấp thôn phải đạt 6,5m trở lên, cấp xã từ 7,5m trở lên và trên 10,5m đối với đường cấp huyện.

"Qua cái kết quả của Mặt trận tổ quốc thăm dò, thì người dân ủng hộ lên đến 99,99%. Huyện cũng xác định là việc này có thành công được hay không, thì phải lựa chọn những cán bộ thực sự tâm huyết, tuyên truyền vận động, gần với nhân dân, đảng viên phải làm trước nêu gương. Nhân dân cùng với nhau, bàn với nhau để cùng làm để được cái thôn, làng đáng sống" - Ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Sôi nổi phong trào hiến đất tại Thanh Hóa - Ảnh 5.

Tính đến ngày 30/12/2024, toàn huyện Triệu Sơn đã có 21.774 hộ tham gia hiến đất, chiều dài các tuyến đường là trên 586 km và tổng diện tích nhân dân hiến đất là 87,8 ha. Nhân dân toàn huyện Triệu Sơn đã đóng góp được hơn 3.000 tỉ đồng vào nguồn xã hội hóa để hưởng ứng phong trào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

hiến đất

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước