Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang bàn thảo một trong những chủ trương lớn mang tính cải tổ sâu rộng: sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên cả nước. Theo đó, dự kiến 30 tỉnh, thành phố sẽ không tổ chức cấp huyện, đồng thời giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp xã. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cấp tỉnh và cấp xã đang dần được định hình, đi kèm là yêu cầu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn.
Dự kiến 30 tỉnh, thành phố sẽ không tổ chức cấp huyện, đồng thời giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp xã.
Tuy nhiên, khi bỏ cấp huyện và sáp nhập hàng loạt xã, câu hỏi đặt ra là: ai sẽ trực tiếp cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân? Với quy mô xã lớn hơn rất nhiều so với hiện nay, người dân sẽ phải đi bao xa để làm một thủ tục hành chính? Làm thế nào để mô hình mới vẫn đảm bảo tiêu chí "gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân"? Đây là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong quá trình tái cấu trúc bộ máy hành chính.
Tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, đại diện Bộ Nội vụ đã phần nào trả lời một phần nào câu hỏi này. Theo đó, cấp xã sau sáp nhập sẽ được thành lập các Trung tâm hành chính công để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục trước đây thuộc cấp huyện, khi cấp này không còn, sẽ được chuyển giao trực tiếp về cấp xã. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính sẽ được tinh gọn, cắt giảm bước trung gian, đẩy mạnh liên thông và số hóa để đảm bảo không gián đoạn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Viện Lãnh đạo học và Hành chính công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: "Để chính quyền cấp xã mới sau sáp nhập thực sự phục vụ tốt hơn, trước tiên phải thiết kế lại chức năng, nhiệm vụ một cách rõ ràng và hợp lý". Theo ông, các dịch vụ thiết yếu nhất của người dân nên được đưa xuống cấp xã, đúng với tinh thần "gần dân, sát dân", đồng thời giúp giảm tải cho cấp tỉnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Viện Lãnh đạo học và Hành chính công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ về việc thành lập các Trung tâm hành chính công sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Việc không tổ chức chính quyền cấp huyện đặt ra yêu cầu chuyển giao một phần thẩm quyền cho cấp xã. Tuy nhiên, để cấp xã có thể gánh vác được các nhiệm vụ này thì hạ tầng, công nghệ và đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.
"Không chỉ là đưa cán bộ huyện xuống xã mà cần kết hợp hài hòa giữa người có kinh nghiệm ở cơ sở với nhân sự chất lượng cao từ cấp trên", ông Đáng nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Văn Đáng nhận định, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, việc tổ chức thêm các điểm hành chính vệ tinh hoặc tổ lưu động là giải pháp linh hoạt, hữu ích, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, nơi dân cư thưa và hạ tầng giao thông còn khó khăn. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần tính toán kỹ lưỡng về mô hình tổ chức, phạm vi thẩm quyền và chức năng hỗ trợ người dân của các điểm này. Mọi thủ tục hành chính vẫn phải do Trung tâm hành chính công cấp xã giải quyết theo thẩm quyền.
Hiện nay, Hà Nội là địa phương tiên phong trong cải cách hành chính. Từ đầu tháng 4, thành phố đã điều chỉnh địa điểm tiếp nhận thủ tục của 34 đơn vị và thiết lập 12 chi nhánh Trung tâm phục vụ hành chính công. Mục tiêu là hướng tới mô hình "phi địa giới hành chính", cho phép người dân nộp và xử lý thủ tục ở bất kỳ điểm nào, dự kiến triển khai từ 1/7 tới.
Thành phố Hà Nội đã điều chỉnh địa điểm tiếp nhận thủ tục của 34 đơn vị và thiết lập 12 chi nhánh Trung tâm phục vụ hành chính công.
"Tôi cho rằng mô hình mô hình "phi địa giới đây là mô hình hiện đại, tập trung, giảm biên chế và tăng tính linh hoạt cho người dân, doanh nghiệp, rất hứa hẹn và hoàn toàn có thể nhân rộng nếu có sự chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng, công nghệ và nhân lực. Tuy nhiên, không thể rập khuôn mô hình Hà Nội cho tất cả, mà cần điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương", ông Đáng chia sẻ.
Khi sáp nhập các đơn vị hành chính, việc kế thừa mô hình đại lý dịch vụ công là cần thiết để phục vụ người dân tốt hơn. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tại Hà Nội, giúp người dân được tư vấn, hỗ trợ kê khai hồ sơ trực tuyến và tiếp cận dịch vụ công thuận lợi. Đồng thời, chính quyền có thể tận dụng năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ.
Trong những ngày đầu vận hành, Trung tâm phục vụ hành chính công Hà Nội và các chi nhánh thường xuyên quá tải, nhiều người dân phải xếp hàng từ 5h sáng để lấy số thứ tự. Không ít người đến muộn đã phải quay về vì không lấy được số, gây áp lực lớn lên hệ thống.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình hình đã dần ổn định. Quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục được điều phối hợp lý, lượng người được phân bổ đều, giúp người dân không còn phải chờ đợi từ sớm như trước. Cùng với đó, các đại lý dịch vụ công trực tuyến cũng hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần giảm tải cho các Trung tâm hành chính công và thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền số.
Quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục được điều phối hợp lý, lượng người được phân bổ đều, giúp người dân không còn phải chờ đợi từ sớm như trước.
"Hệ thống chi nhánh và đại lý hành chính công có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng phục vụ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục và giảm áp lực di chuyển cho người dân. Mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả phục vụ mà còn tạo dựng niềm tin, thiện cảm của người dân đối với bộ máy hành chính. Chính các Trung tâm hành chính công sẽ là "bộ mặt đầu tiên" phản ánh chất lượng hoạt động của chính quyền trong mắt người dân", ông Đáng chia sẻ thêm.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp gắn với phân cấp, phân quyền hiệu quả. Đồng thời, cần phát triển hệ thống hành chính công linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng địa phương nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Dù không có một khuôn mẫu chung cho mọi nơi, các địa phương có thể bắt đầu từ hai nguyên tắc cốt lõi: chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đây sẽ là nền tảng để triển khai các mô hình hành chính công hiện đại như trung tâm hành chính phi địa giới hay các đại lý dịch vụ công, giúp đảm bảo người dân được phục vụ thuận tiện, kể cả khi địa giới hành chính có thay đổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!