Ngày 25/4, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - ông Hồ Văn Niên - ký Nghị quyết gửi Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Chính phủ về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định.
Theo Nghị quyết này, thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, Trung tâm Chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai Khóa XII nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ Hai mươi sáu (chuyên đề) thông qua ngày 25/4/2025.
Việc sáp nhập tỉnh được giao cho UBND tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ trì để báo cáo, gửi Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định.
Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai sẽ có trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, việc sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định là cần thiết để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, giúp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn; giúp tiết kiệm chi phi quản lý nhà nước, từ đó tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.
Sáp nhập hai tỉnh sẽ tạo lợi thế to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội cho cả hai tỉnh; giúp hai tỉnh bổ trợ cho nhau, phân bố nguồn lực hợp lý hơn, đầu tư cơ sở hạ tầng (đường sá, điện, trường học) từ Bình Định lên Gia Lai, thúc đẩy phát triển đồng đều, tạo thêm dư địa phát triển kinh tế - xã hội cho cả hai tỉnh.
Đồng thời, hình thành không gian phát triển thống nhất, kết hợp giữa thế mạnh là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa, về phát triển kinh tế biến, cảng biển - logistics, ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa của Bình Định với tiềm năng tài nguyên - sinh thái, nông nghiệp sinh thái nhân văn cao nguyên nguồn lao động dồi dào của tỉnh Gia Lai và đặc biệt có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Từ đó, tạo cơ hội cho việc phát triển chuỗi giá trị nông sản và phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tạo ra sự liên kết vùng và giao thông: Hai tỉnh có hệ thống giao thông kết nối tốt với nhau qua Quốc lộ 19 và Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, giúp dễ dàng đi lại và vận chuyển hàng hóa. Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng giao thông, gắn kết khu vực Tây Nguyên hướng biển, thúc đẩy kết nối khu vực vùng và hành lang kinh tế Đông -Tây để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Việc nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng, đặc biệt trong việc xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng vững chắc, tăng cường, củng cố chủ quyền vùng biên giới phía Tây và biên giới biển.
Tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai có văn hóa tương đồng, cả hai tỉnh đều có cộng đồng người Bana với nhiều phong tục, lễ hội và sinh hoạt văn hóa tương đồng, đồng thời đều chịu ảnh hưởng của văn hóa người Kinh (Việt) trong quá trình giao thoa văn hóa; có nhiều phong tục truyền thống giống nhau; cả hai tỉnh đều gắn liền với Phong trào nhà Tây Sơn. Do vậy, khi nhập hai tỉnh sẽ tạo được sự ủng hộ, đồng thuận cao giữa Nhân dân trên địa bàn hai tỉnh.
Cũng theo UBND tỉnh Gia Lai việc sáp nhập phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Việc nhập hai tỉnh phù hợp với chiến lược phát triển và quy luật chung của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển giúp giảm sự can thiệp trực tiếp của con người vào các hoạt động quản trị hành chính công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!