Ngày 23/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Phú Hòa trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Buổi tiếp xúc nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị, đề xuất từ cử tri địa phương.
Về phía đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, có ông Phạm Đại Dương, Phó trưởng ban chính sách, chiến lược trung ương, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, đại biểu quốc hội Dương Bình Phú.
Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, ông Đỗ Chí Nghĩa đã thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đã báo cáo với cử tri những nội dung chủ yếu của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; khái quát về tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2025 của cả nước và của tỉnh Phú Yên; Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 5/5 đến hết ngày 28/5, Đợt 2 từ ngày 11/6 đến hết sáng ngày 28/6. Đây là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước.
Đại biểu quốc hội Đỗ Chí Nghĩa thông qua một số nội dung tại kì họp quốc hội sắp tới.
Đặc biệt, tại kỳ họp sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Cử tri ý kiến tại buổi tiếp xúc.
Các đại biểu quốc hội lắng nghe ý kiến của cử tri.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống dân sinh, phát triển hạ tầng và chính sách quản lý đất đai đã được cử tri thẳng thắn nêu ý kiến. Cử tri Lý Văn Hương bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư cho hệ thống đường giao thông nông thôn. Ông cho biết nhiều tuyến đường hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại và sản xuất của người dân, trong khi nguồn vốn đầu tư nâng cấp còn hạn chế.
Liên quan đến đề án sáp nhập hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, cử tri Trần Văn Bửu (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), cho biết người dân rất đồng tình với chủ trương này. Ông cho rằng đây là cơ hội để hai địa phương phát huy các thế mạnh về kinh tế, văn hóa, xã hội và góp phần xây dựng một vùng phát triển bền vững. Cử tri cũng đề xuất tên gọi tỉnh sau khi sáp nhập nên là "Đắk Phú", vừa mang ý nghĩa gắn kết, vừa thể hiện sự hòa hợp giữa hai địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều cử tri phản ánh tình trạng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại. Tuyến quốc lộ 25 đoạn từ thị trấn Phú Hòa đến quốc lộ 1 chỉ dài khoảng 8km nhưng hiện đã quá chật hẹp, thường xuyên xảy ra mất an toàn giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm hoặc mùa mưa.
Cử tri Nguyễn Chính (xã Hòa Định Đông) phản ánh bất cập trong việc quản lý nghĩa trang. Ông cho biết tình trạng lấy đất rồi phân lô mộ bán với giá từ 3 đến 4 triệu đồng mỗi lô khiến người dân gặp khó khăn, đặc biệt là những hộ nghèo. Cùng quan điểm, cử tri Phan Thị Thảo bức xúc vì giá đất tại nghĩa trang Thọ Vứt quá cao, khiến nhiều hộ dân không đủ điều kiện tài chính để an táng người thân. Bà kiến nghị chính quyền cần xem xét điều chỉnh giá cả hợp lý hơn, đồng thời hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo khi có nhu cầu chôn cất.
Ông Phạm Đại Dương, Phó Trưởng ban chính sách, chiến lược trung ương, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Sau khi lắng nghe ý kiến cử tri, ông Phạm Đại Dương, Phó Trưởng ban chính sách, chiến lược trung ương, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của người dân và khẳng định sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị để trình lên Quốc hội, đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành liên quan để xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Phú Hòa diễn ra dân chủ, thẳng thắn, thể hiện tinh thần cầu thị và sự đồng hành giữa Quốc hội với nhân dân trong việc xây dựng chính sách, pháp luật vì sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!