Dù không phải là câu chuyện mới nhưng nếu cứ tiếp diễn, không được ngăn chặn thì sẽ để lại nhiều hệ lụy phức tạp về sau. Thời gian qua, lợi dụng công tác sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, tại một số địa bàn, tình trạng san lấp đất nông nghiệp trái phép lại tiếp diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Tình trạng đổ phế thải san lấp đất nông nghiệp trái phép
Được xác định là tuyến quốc lộ huyết mạch kết nối một số tỉnh ở miền Bắc nhưng hiện nay, quá trình thi công mới triển khai đến vị trí qua địa bàn huyện Thanh Oai, Hà Nội. Dù đường chưa làm xong, nhưng tại xã Liên Châu, phần diện tích đất nông nghiệp rộng lớn tiếp giáp tuyến quốc lộ đã dần bị xóa sổ bởi phế thải xây dựng.
Thậm chí, sau khi hoàn tất việc san lấp, những cây chuối được trồng tạm để làm vỏ bọc che đi hành vi hủy hoại đất nông nghiệp.
Tuy giấu đầu nhưng lại hở đuôi. Tại hiện trường, vẫn còn vô số gạch đá lẫn rác thải - cùng vệt hằn của bánh xe - cho thấy hoạt động san lấp trái phép vừa mới diễn ra.
Tuy nhiên, qua nhiều mối quan hệ, chúng tôi đã tiếp cận được người đàn ông này. Tự giới thiệu có khả năng lấp ao, lấp đất nông nghiệp tại địa phương - người này đã trực tiếp dẫn đi xem các khu vực đang đổ thải và không ngần ngại tiết lộ.
Đúng là trên thực tế, hoạt động san lấp ở đây đã diễn ra với quy mô lớn. Phế thải xây dựng đổ đến đâu, những mảnh đất nông nghiệp rộng hàng nghìn m2, biến dạng đến đó.
Chung tình trạng, cả khu ao rộng lớn nằm tiếp giáp tuyến đường Phạm Tu, thuộc địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì - vốn nằm trong diện đất nông nghiệp cũng sắp biến mất.
Đủ loại rác bẩn lẫn gạch đá sau khi đổ trái phép để lấp ao sẽ được san phẳng rồi dầm chặt. Máy móc để lu lèn vẫn hoạt động giữa ban ngày.
Để minh bạch thông tin về hoạt động san lấp đất nông nghiệp bằng phế thải xây dựng trên địa bàn, chúng tôi đã liên hệ với UBND xã Thanh Liệt nhưng hiện tại vẫn chưa có câu trả lời. Vì các cán bộ và lãnh đạo ủy ban không bố trí được lịch làm việc."
Theo quy định, hành vi san lấp đất nông nghiệp không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn được coi là hành vi phá hoại và tàn phá đất đai. Vì đất nông nghiệp sau khi bị san lấp bởi trạc thải xây dựng gần như vĩnh viễn không thể- khôi phục lại nguyên trạng ban đầu được nữa.
Chế tài đối với hành vi san lấp đất nông nghiệp
Theo quy định, hành vi san lấp trái phép đất nông nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 15 - Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Cụ thể, mức xử phạt được căn cứ vào diện tích đất bị hủy hoại. Trong đó, mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 60-150 triệu đồng, nếu diện tích từ 1 hecta trở lên. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị áp dụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trong trường hợp không chấp hành thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất.
Quy định hiện nay đã rất chặt chẽ để bảo vệ diện tích đất phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả lại phụ thuộc vào công tác kiểm tra, giám sát và xử lý của địa phương - nơi diễn ra hoạt động san lấp đất. Vì nếu buông lỏng quản lý, đất nông nghiệp được sử dụng sai mục đích sẽ rơi vào tay một số cá nhân để trục lợi dưới nhiều hình thức khác nhau.
Mục đích sau khi san lấp đất nông nghiệp trái phép
Thay vì giữ nguyên trạng là ao, hồ nuôi trồng thủy sản - thì nay phần diện tích bị lấp đã mọc lên hàng loạt sân bóng và hàng chục lều lán bán cây áp sát tuyến đường Phạm Tu. Những người kinh doanh ở đây cho biết, hàng tháng họ phải trả tiền thuê mặt bằng cho chủ đất với mức giá 25 nghìn đồng/m2.
Cứ có mặt bằng là có tiền. Thế nên, mạnh ai người đó lấp đất nông nghiệp. Với diện tích hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích, nếu tính riêng tiền cho thuê mặt bằng, mỗi tháng đã đem về nguồn lợi lên đến hàng trăm triệu đồng cho các cá nhân đứng ra thâu tóm đất đai.
Không cho thuê mặt bằng thì tại khu vực đất nông nghiệp ngoài đê sông Hồng, thuộc địa bàn thôn Hạ, xã Thiên Đức, huyện Gia Lâm… lại mọc lên một số nhà xưởng trái phép. Bên ngoài quay tôn, phủ bạt để che giấu hoạt động xây dựng bên trong.
Không chỉ làm ngày - mà hoạt động xây dựng trái phép còn diễn ra cả vào ban đêm. Khi chúng tôi có mặt ghi hình thì hoạt động này mới lập tức dừng lại. Nhóm thợ thi công được lệnh ra về. Và các khu nhà xưởng đã tồn trái phép ở đây- cũng tắt điện, đóng cửa, án binh bất động, dù vài phút trước vẫn nhộn nhịp công nhân.
Nhiều năm trở lại đây, lợi dụng nhu cầu phát triển kinh tế - nên hoạt động xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp để cho thuê cũng ngày càng nở rộ. Vì thế hoạt động này được coi là công việc hái ra tiền cho các ông chủ. Tại địa bàn phường Đồng Hòa, Quận Kiến An, thành phố Hải Phòng cũng không phải là ngoại lệ - khi càng ngày càng có nhiều nhà xưởng mới xây.
Tiền thuê, tính theo m2. Vì lợi nhuận lớn nên các nhà xưởng tự cho mình cái quyền được mọc lên rồi tồn tại, dù vi phạm đủ thứ quy định như xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm an toàn hành lang lưới điện quốc gia; vi phạm không gian thoát lũ. Vậy mà, lãnh đạo UBND phường Đồng Hòa chưa nắm được thông tin về các công trình vi phạm mới và cho rằng vi phạm chỉ là tồn tại từ lịch sử để lại.
Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nếu không xử lý từ lúc manh nha, bắt đầu - không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương, mà còn để lại nhiều hệ lụy, tốn kém ngân sách nhà nước. Vì địa phương sẽ phải huy động nhân lực, vật lực để cưỡng chế, giải tỏa công trình vi phạm sau này.
Thực tế, tại địa bàn xã, phường, việc phát hiện công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp không quá khó khăn, bởi hoạt động từ việc san lấp, đến xây dựng đều phải trải qua thời gian hằng tuần, thậm chí cả tháng nên khó có thể che giấu được. Nếu các vi phạm được phát hiện sớm và bị xử lý kiên quyết, chắc chắn rằng hiệu quả ngăn chặn sẽ rất cao. Bằng camera giấu kín, nhóm phóng viên đã ghi lại được những câu chuyện như thế này, hé lộ về thủ đoạn hô biến đất nông nghiệp để dựng xưởng, xây nhà trái phép ở một số địa bàn khác nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!