"Rời phố về quê" câu chuyện không còn quá mới mẻ thế nhưng hàng ngày, khi "lướt" mạng xã hội, đâu đó, chúng ta vẫn thấy sự xuất hiện của những câu chuyện chia sẻ hành trình rời phố thị để về quê, lên rừng sống. Đó là cốc cà phê bên cạnh là máy tính, bàn làm việc nhìn ra cánh đồng lúa xanh; là cả gia đình vui vẻ bên luống rau mới trồng…
Những hình ảnh đẹp như trong mơ được đăng tải. Thế nhưng, không đơn giản là chỉ muốn tìm một chốn bình yên, tránh những khói bụi, xô bồ, náo nhiệt của thành phố, nhiều người buộc phải đưa ra quyết định "rời phố về quê" và đối mặt với những thứ mà chúng ta tạm gọi là "thử thách".
Có bao nhiêu người sẵn sàng mỗi ngày vừa đi vừa về 100 cây số để đi làm và về nhà?
16 năm nay, anh Thành - Giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội đã chọn di chuyển như vậy. Có hai lý do: Một là, anh thấy công việc của vợ ở quê Bắc Ninh đang rất tốt, môi trường sống cũng tốt lên rất nhiều. Hai là, năm 2008, Hà Nội có trận lụt lịch sử khiến anh không thể về thăm nhà. Đây là một trong những lý do sau này tác động đến quyết định về quê của anh.
Ban đầu thì anh đi xe bus rồi tới 2018, anh mới lái xe riêng. Điều duy nhất anh lo lắng khi về Bắc Ninh là chất lượng y tế. Nhưng sau tất cả thì mỗi ngày đi làm về, dù có muộn thì nhìn thấy cả gia đình sum vầy bên nhau, mọi mệt nhọc sẽ được xóa tan...
"Rời phố về quê" để đồng hành cùng con
Cậu bé Ong mắc hội chứng tự kỉ và mẹ là chị Bạch Thùy Linh, người tiên phong bước ra ánh sáng để kể những câu chuyện về hành trình yêu thương, kiên nhẫn nuôi con tự kỷ. 5 năm nay, gia đình chị Linh đã quyết định rời phố về quê.
Lý do tất cả là vì Ong bởi để Ong không phải ngồi xe hơn 1 tiếng đồng hồ để tới trường mà em được đón nhận và chiều về cũng vậy. Giờ chỉ mất tầm 5 phút đi học, con được ngủ nhiều hơn, giấc ngủ tốt cho con. Cùng với đó là để Ong được tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn, có bạn bè nhiều hơn. Ngược lại thì bố mẹ cũng phải đánh đổi rất nhiều như công việc đang tốt ở thành phố... Nhưng giờ nhìn lại cậu con trai trưởng thành, tự tin hát cùng mẹ thì có lẽ họ cũng thấy chấp nhận sự đánh đổi đó là xứng đáng.
Chàng trai rời phố về quê với 11 sản phẩm OCOP
Có một công việc ổn định trên thành phố là ước muốn của nhiều người. Từ quê lên Hà Nội để học thế nhưng vì một biến cố mà anh Phạm Kim Tiến quyết định trở về quê hương. Những tưởng mọi thứ sẽ thuận lợi, chào đón chàng trai ấy nhưng không, có rất nhiều thử thách mà chàng trai ấy cần vượt qua.
Anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc HTX Sen quê Bác, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Một người học đại học thạc sĩ, bỏ Hà Nội để về đây làm việc đấy, mọi người lời ra tiếng vào, ồ hóa ra đi học đại học về chỉ ra làm ruộng thôi à, có một chút động chạm đến lòng tự ái. Ban đầu, người dân không chấp nhận vì hoa sen trước giờ vẫn vậy, lợi ích kinh tế nó không được bao nhiêu chính vì vậy bọn mình phải tự làm để chứng minh".
Sau khi học xong thạc sĩ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Tiến làm việc tại nhiều tỉnh thành Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… Nhưng một biến cố gia đình đã khiến vợ chồng anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp.
"Ban đầu mình sưu tầm rất nhiều giống sen nội địa từ Huế, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Tuy Hòa,… để lấy giống bản địa để phân tích. Mỗi một giống thì phù hợp với từng thổ nhưỡng từng khí hậu khác nhau. Ban đầu bọn mình bảo quản chưa tốt thì có nhiều cây bị hỏng, và trong quá trình mình trồng thì kỹ thuật là vấn đề đầu tiên rất khó khăn để trồng giống cây sen mới", anh Tiến cho hay.
Với kiến thức của thạc sĩ nông nghiệp, kinh nghiệm thực tế, anh Tiến có thể nhân giống, nuôi cấy, chuyển giao công nghệ, bao tiêu thu mua cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kinh tế cao.
Năm 2018, anh Tiến mạnh dạn thành lập HTX Sen quê Bác. Đến nay HTX đã có 17 thành viên, mở rộng quy mô trồng sen lên tới 50ha với hơn 100 giống. Mỗi thành viên có mức lương ổn định, trung bình khoảng 6,5 - 7 triệu đồng/tháng.
Rời phố về quê, vượt qua định kiến, giờ đây anh Tiến không chỉ có công việc mà còn tạo ra công việc cho chính những người nông dân tại quê hương mình.
Xóm "rời phố về quê" tại Ninh Bình
Mỗi người sẽ có 1 quyết định cho cuộc sống của mình. Sống ở thành phố, ở nông thôn, trên rừng hay xuống biển thì quan trọng là phải có sự chuẩn bị thật tốt, không phải theo trào lưu. Và dù khó khăn, hãy luôn nhìn lại lý do ta bắt đầu.
Tại bản Sau, xã Kỳ Phú, Ninh Bình, có một xóm nhỏ đặc biệt, những người ở đây không phải người bản địa, họ đều là những người "bỏ phố về quê". Và đây là người đầu tiên trong xóm.
"Bản thân mình là một người từ quê đi lên Hà Nội. Trước đây, tìm mọi cách để bám trụ lại thủ đô, thậm chí ra nước ngoài sinh sống. Nhưng đại dịch tới và mình thấy gia đình mình cần được kết nối với bên ngoài nhiều hơn", anh Trần Văn Tưởng, xã Kỳ Phú, cho biết.
Từ mảnh đất hoang sơ và một căn nhà cũ kỹ, gia đình anh đã cải tạo toàn bộ để cả gia đình chuyển hẳn về đây sinh sống. Rời xa những xô bồ, ở đây, gia đình anh đã có những trải nghiệm chưa từng có.
Những hình ảnh về cuộc sống được anh chia sẻ lên trang cá nhân mỗi ngày. Và cũng từ cảm hứng mà anh lan toả, một xóm nhỏ với khoảng 10 gia đình "bỏ phố về quê" đã hình thành.
"Mình xa thành phố, tìm về một nơi thật an yên" nhưng cũng cần cân bằng và tính toán cẩn thận, bởi điều quan trọng nhất là dù ở phố hay về quê, điều chúng ta tìm kiếm chính là sự bình yên từ bên trong mỗi người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!