Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đất nước thu về một mối, non sông liền một dải, nhưng ký ức của những người làm báo nơi chiến trường vẫn luôn sống động trong dòng chảy của lịch sử.
Bức ảnh được chụp ngày 29/3/1975 - bởi phóng viên Lâm Hồng Long, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Ba người trong ảnh là 3 phóng viên chiến trường: Trần Mai Hưởng, Đậu Ngọc Đản, Hoàng Thiểm đang vượt đèo Hải Vân, tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Họ tiếp tục có mặt tại Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử.
Họ - những phóng viên chiến trường, không chỉ là những người lính cầm súng mà còn tái hiện lịch sử bằng "vũ khí" của riêng mình.
Bức ảnh nữ chiến sỹ biệt động Cao Thị Nhíp dẫn đường cho xe tăng tiến vào Sài Gòn, bức ảnh Đội hình Xe tăng Lữ đoàn 203 tiến vào dinh Độc Lập, từng khoảnh khắc - được ghi lại dưới ống kính của nhà báo Đậu Ngọc Đản, một trong hai phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có gần 500 nhà báo - liệt sỹ, nhưng những bức ảnh họ chụp, những bài báo họ viết mãi mãi là những tư liệu lịch sử vô giá.
"Nhiều người trải qua cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt, nhưng chúng tôi may mắn hơn, được chứng kiến giây phút đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Ngỡ ngàng trước khung cảnh giọng các anh chị chào nhau, có giọng Bắc, giọng miền Trung, giọng Nam Bộ, rạo rực lắm", nhà báo Đậu Ngọc Đản (nguyên phóng viên Thông tấn Quân sự, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) chia sẻ.
Hà Nội tháng 4/1975, cơ quan TTXVN là những đêm không ngủ, chờ tin thắng trận.
"Cười cũng có, vỡ òa cảm xúc cũng có, nhưng tất cả mọi người lặng yên, ôm lấy nhau, nước mắt chảy ra và nhớ, nghĩ về những phóng viên của cơ quan TTXVN đang ở công tác chiến trường", nhà báo Nguyễn Ngọc Bích (nguyên Biên tập viên Ban tin miền Nam, Thông tấn xã Việt Nam) kể lại.
Trước đó, giữa chiến trường ác liệt, năm 1960, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng ra đời. Trong hơn 15 năm hoạt động cho đến ngày thống nhất, Thông tấn xã Giải phóng đã trở thành chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc và cũng chứng kiến sự hy sinh của đội ngũ phóng viên chiến trường.
"Không một chiến trường nào, không một chiến dịch lớn nào, không có địa bàn nào không có phóng viên Thông tấn xã. Ở Tây Nguyên, có những địa bàn của của Thông tấn xã Giải phóng bị xóa sổ 3 lần, hy sinh tất cả, rồi những người mới lại bắt đầu, đảm bảo những dòng tin, những bức ảnh...", nhà báo Trần Mai Hưởng (Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) cho biết.
Giá của hòa bình độc lập là máu xương, là cuộc sống của biết bao con người không bao giờ được trở về. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có gần 500 nhà báo - liệt sỹ, nhưng những bức ảnh họ chụp, những bài báo họ viết mãi mãi là những tư liệu lịch sử vô giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!