Nạo vét sông, hồ là một hoạt động quan trọng để khơi thông luồng lạch, giải quyết tình trạng bồi lắng, hoặc tăng dung tích chứa nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các quy định hiện nay cho phép xã hội hóa việc nạo vét, tức là không sử dụng ngân sách nhà nước, và đổi lại, có thể tận thu phần sản phẩm nạo vét được. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực cho ngân sách mà còn khuyến khích sự tham gia của các thành phần ngoài nhà nước. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một vấn đề đáng lo ngại: hoạt động nạo vét đang dần bị biến tướng thành việc khai thác khoáng sản, tạo ra nhiều khó khăn và phức tạp trong việc quản lý và giám sát.
Có những trường hợp được cấp phép nạo vét ngay cả khi đơn vị quản lý phạm vi nạo vét không có nhu cầu nạo vét.
Ghi nhận tại hồ thủy điện Đồng Nai 3, hơn 110.000 m3 cát, sỏi đó là trữ lượng mà Bộ công thương cho phép Doanh nghiệp tư nhân Bội Dũng tận thu khi nạo vét Hồ thủy điện Đồng Nai 3. Dự án được cấp phép với mục tiêu nạo vét, thế nhưng đơn vị đề xuất nạo vét không phải là đơn vị quản lý hồ thủy điện mà chính là đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động nạo vét. Trước khi đề xuất, doanh nghiệp này cũng đã đánh giá được nguồn lợi từ cát thu được sau nạo vét.
Ông Phan Bội Dũng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bội Dũng cho biết: "Thuê tư vấn có máy để thăm dò, trữ lượng bao nhiêu thì mới xin. Mình thích, mình cần nạo vét thì họ cho".
Công ty Thủy điện Đồng Nai là đơn vị được giao quyền khai thác, sử dụng nước mặt hồ. Theo đại diện Công ty cho biết, hồ thủy điện Đồng Nai 3 có dung tích khoảng 800 triệu m3, nên phải mất hàng trăm năm nữa mới có thể ảnh hưởng đến khả năng tích trữ nước, do vậy công ty không có nhu cầu cần phải nạo vét.
Tuy không có nhu cầu nhưng 2 doanh nghiệp này lại được Bộ công thương cho phép nạo vét. Các dự án nạo vét thường được nhắc đến với mục tiêu hàng đầu là nhằm tăng thể tích chứa, tạo nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và du lịch.
Trong khi để xin cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ phải bị quản lý khá chặt chẽ với quy trình thủ tục từ quy hoạch đến đóng cửa mỏ thì hoạt động nạo vét lại thực hiện theo dự án đầu tư với thủ tục đơn giản hơn nhiều. Điều này cho thấy 1 phần nguyên nhân việc các doanh nghiệp núp bóng dự án nạo vét để khai thác khoáng sản.
Chồng chéo quản lý hoạt động nạo vét
Núp bóng nạo vét lòng sông hồ để khai thác khoáng sản đang đem lại nguồn lợi lớn cho một số cá nhân nhưng lại làm chảy máu khoáng sản của nhà nước.
Hoạt động nạo vét hiện được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, đồng thời do nhiều cơ quan chức năng cùng quản lý. Tuy nhiên, việc giám sát trên thực tế còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, có nguyên nhân do bất cập trong cơ chế chính sách và sự chồng chéo trong quản lý.
Tỉnh Lâm Đồng có 19 giấy phép khai thác, tận thu khoáng sản trong phạm vi hồ thủy lợi, thủy điện, trong đó có 2 giấy phép do Bộ Công thương cấp, số còn lại do UBND tỉnh cấp. Ngoài ra có 1 dự án nạo vét lòng hồ do cấp Huyện phê duyệt. Vì phạm vi hoạt động nạo vét thuộc ngành công thương và ngành nông nghiệp quản lý, cho nên việc giám sát các doanh nghiệp có nạo vét đúng như giấy phép hay không là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng.
Ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, Lâm Đồng cho biết: "Đến nay chúng ta cũng chưa rõ được thẩm quyền quản lý, trách nhiệm quản lý diện tích trên hồ đó thuộc chủ đầu tư, thuộc chính quyền địa phương, cấp tỉnh hay là của các cấp bộ, trong thời gian tới, về phía địa phương cũng kiến nghị làm sao để rõ ra để thứ nhất không những để phát triển kinh tế địa phương mà làm các công trình ví dụ như du lịch, khu nghỉ dưỡng để góp phần quản lý chung phát triển địa phương 1 cách thụận lợi không khó khăn như hiện tại 1 số cơ chế chính sách chưa rõ ràng.
Theo quy định, khu vực lòng hồ không thuộc quy hoạch để cấp quyền khai thác khoáng sản, tuy nhiên, dưới danh nghĩa là hoạt động trong phạm vi hồ chứa, tại đây các ngành khác lại cấp giấy phép cho phép nạo vét tận thu khoáng sản. Đây là 1 trong những nguyên nhân dẫn tới các đơn vị có thể lợi dụng để khai thác khoáng sản.
TS Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam cho biết: "Xác định khoáng sản thu hồi sau nạo vét trong phạm vi bảo vệ công trình hồ thủy lợi, thủy điện là tài sản nhà nước, nhiều địa phương đã có kế hoạch đấu giá. Tuy nhiên, như ở Lâm Đồng có 20 dự án nạo vét với tổng hơn 3 triệu khối cát, sỏi đã được khai thác, từ khi có chủ trương đến nay đã gần 2 năm, nhưng hiện vẫn chưa có Huyện nào triển khai được".
Bất cập dự án nạo vét Hồ Tây
Trong khi nhiều dự án nạo vét được cấp phép khi nhu cầu thực tế không cần phải nạo vét, thì ngược lại ở nhiều nơi có dự án nạo vét giá trị hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn đang nằm trên giấy trong suốt nhiều năm qua. Như ở Hồ Tây, một biểu tượng của thủ đô Hà Nội đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng dự án nạo vét có trị giá hơn 336 tỷ đồng được phê duyệt từ năm 2018 nhưng qua nhiều năm vẫn không thể triển khai do có quá nhiều vướng mắc.
Vào tháng 10 năm ngoái, cá chết bắt đầu từ đầu tháng và tăng mạnh từ ngày 13, với khối lượng cá chết thu gom dao động từ 250-300kg/ngày, cao điểm lên đến 600kg/ngày. Cá hồ Tây chết hàng loạt, tình trạng này đã trở thành hiện tượng lặp đi lặp lại hàng năm, đặc biệt vào thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh.
Những người phụ trách công việc vệ sinh môi trường Hồ Tây cảm nhận rõ nhất về sự ô nhiễm trong những năm qua. Trung bình mỗi ngày lượng rác thải nổi vớt được xung quanh hồ ít nhất 200kg.
Chị Lê Diệu Linh, Công ty vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi thu nhiều lắm, tuy nhiên đây mới chỉ là rác thải nổi lên thôi, còn rác mà nó chưa trôi vào bờ, bị lắng xuống nữa thì không ai biết, người ta cứ thải ra nhưng mà chúng tôi làm không thể xuể được…"
Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt dự án nạo vét bùn hồ Tây. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước hồ Tây, trị giá hơn 336 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay thành phố Hà Nội đã dừng lại dự án từ cuối năm ngoái do không còn phù hợp.
Có thể thấy đây là khu vực giữa hồ Tây, và đây cũng được cho là điểm sâu nhất của hồ, thanh gỗ này có chiều dài khoảng 3m khi tôi cắm xuống như thế này đến đây là kịch đáy rồi, nhìn thế này có thể thấy vào mùa cạn như thế này thì nơi sâu nhất của hồ Tây cũng chỉ khoảng 2m.
Hồ Tây rộng hơn 500 ha với chu vi khoảng 15 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng. Với tình trạng bùn thải bị lắng nhiều như hiện nay, thành phố Hà Nội đã dự toán sẽ phải nạo vét ít nhất 1,3 triệu tấn bùn ra khỏi lòng hồ mới có thể đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngoài việc có thể gây xáo trộn hệ sinh thái thì làm gì để xử lý được khối lượng bùn lớn như vậy vẫn đang chưa có giải pháp. Bùn lắng đọng dưới hồ Tây qua khảo sát có chứa rất nhiều kim loại nặng. Bãi xử lý bùn thải đủ tiêu chuẩn hiện nay nhiều điểm đã quá tải.
Ông Trần Đức Hạ, Nguyên Viện trưởng Viện cấp thoát nước và môi trường cho biết: "Thành phố nhiều năm qua vẫn loay hoay để tìm cách xử lý môi trường,vì thực tế đây không phải số lượng ít mà là rất nhiều, ở nhiều nước trên thế giới người ta qua xử lý lại vẫn có thể tái chế và sử dụng trong xây dựng, tuy nhiên cũng cần đánh giá cụ thể về hàm lượng các loại độc tố trong đó còn thế nào, sử dụng trong nông nghiệp thì gần như là không thể…"
Ông Nguyễn Hưng Quốc, Phó Trưởng ban quản lý Hồ Tây, UBND Quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã lên các phương án cụ thể để xử lý bùn thải khi đưa lên, sẽ phải qua các khâu để khô lại sau đó mới mang đi xử lý, cùng với đó chúng tôi cũng khoanh thành từng vùng để xử lý, đảm bảo các yếu tố an toàn đến hệ sinh thái…"
Hiện nay UBND quận Tây Hồ đề xuất UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường hồ Tây với tổng kinh phí 4.200 tỷ đồng. Trong đó tổng mức đầu tư để nạo vét bùn, cải tạo môi trường hồ Tây khoảng 2.000 tỷ đồng một con số lớn hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2018.
Những câu chuyện trên cho thấy những góc độ khác nhau của việc nạo vét sông hồ luồng lạch hiện nay, thế nhưng ở cả 2 góc độ, rõ ràng thiệt hại với môi trường, với xã hội đều đang diễn ra, đó là vấn đề cần giải quyết, để khơi thông dòng chảy và ngăn chặn lãng phí.
Luật địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm ngoái và sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới. Trong đó đã quy định UBND tỉnh có trách nhiệm quản lý đối với loại khoáng sản là cát sỏi lòng sông, lòng hồ tại địa phương.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tập trung xây dựng Nghị định và thông tư, trong đó có những quy định liên quan đến thu hồi cát sỏi từ các dự án nạo vét. Dự thảo nghị định đang lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện để có quy định đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, không để lại những khoảng trống về pháp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!