Hiện nay, cả nước vẫn còn hơn 300.000 hộ dân gặp khó khăn về nhà ở, bao gồm các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, cần được hỗ trợ xây dựng và cải thiện. Tại Sóc Trăng, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tình trạng nhà ở xuống cấp, tạm bợ đặc biệt đáng báo động.
Chị Trần Thị Hồng Loan, sống tại ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, chia sẻ về căn nhà tạm bợ của mình. Căn nhà chỉ vài mét vuông, nền đất, tường và mái lợp bằng lá dừa. Mỗi khi trời mưa, nước ngập lênh láng khắp nhà, khiến gia đình không dám ngủ vì sợ dột.
Ông Trần Văn Xía, một người dân tại xã Tài Văn, hiện phải sống nhờ nhà con sau khi căn nhà cũ bị sập cách đây 3 năm. Là người hưởng chế độ hỗ trợ do nhiễm chất độc hóa học, ông hy vọng sớm được giúp đỡ xây dựng nhà mới để có chỗ che mưa, che nắng.
Ông Thạch Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Tài Văn cho biết: "Xã Tài Văn là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 74% người đồng bào dân tộc thiểu số. Những hộ bức xúc về nhà ở, hộ khó khăn là có 225 hộ, hộ cận nghèo có 33 hộ và hộ gia đình chính sách người có công có 9 hộ. Chúng tôi đã rà soát đưa vô cái lộ trình để triển khai thực hiện từ đây đến năm 2025".
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 7.000 ngôi nhà tạm, nhà nát. Các địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng và các nguồn lực xã hội để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân.
Ông Đặng Thanh Nhặn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Long Phú, khẳng định: "Thời gian tới xã sẽ cố gắng thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, thực hiện cái chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát cho bà con. Để đảm bảo làm sao bà con xã Tân Hưng này có cái điều kiện tốt nhất. Trong dịp xuân năm nay thì bà con ăn Tết vui vẻ nhất".
Sở Lao động Thương Binh Xã hội, tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng trên 7.000 ngôi nhà tạm, nhà nát. Các địa phương đã và đang nỗ lực triển khai, phối hợp với các đơn vị, công an, bộ đội, biên phòng và các nguồn lực xã hội khác rà soát các hộ dân để đẩy nhanh tiến độ xây mới và sửa chữa nhà cho bà con đang có nhu cầu cấp thiết về nhà ở.
Tại phiên họp về Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát vào tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và nhân dân, Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm. Đây là công việc chung của cả hệ thống chính trị, cần phát huy sức mạnh của nhân dân.
Thời gian qua, đã có khoảng 340.000 hộ gia đình người có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, được hỗ trợ, có chỗ ở ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.Đến nay, cả nước còn khoảng 315.000 hộ khó khăn về nhà ở, cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, "an cư, lạc nghiệp".
Tháng 10/2024 chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ nhà ở cho người dân, đã huy động được hơn 5.900 tỉ đồng.Tháng 11 vừa qua: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng mức hỗ trợ lên 60 triệu đồng/1 căn nhà xây mới, 30 triệu đồng/1 căn nhà sửa chữa.
Sóc Trăng: Đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ dân khó khăn đang là nhiệm vụ cấp bách tại tỉnh Sóc Trăng. Với sự chỉ đạo sát sao từ các cấp chính quyền và sự chung tay của cộng đồng, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo và chính sách tại đây đang từng ngày chờ đợi những mái ấm mới, kiên cố để ổn định cuộc sống.
Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm tỷ lệ lớn ở các xã vùng sâu, vùng xa. Tình trạng nhà tạm, nhà dột nát vẫn phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân.
Theo ông Đặng Thanh Nhặn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Long Phú, địa phương còn 5 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo và 92 hộ khó khăn về nhà ở. Để đảm bảo đúng đối tượng được hỗ trợ, xã đã khẩn trương lập kế hoạch rà soát và triển khai xây dựng nhà mới.
Nhiều gia đình đã được hỗ trợ xây nhà trong thời gian qua, mang lại niềm vui và hy vọng về một cuộc sống ổn định hơn.
Theo ông Ngô Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã kết hợp nguồn lực từ Trung ương, các mạnh thường quân, và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, dự kiến hoàn thành mục tiêu vào năm 2025. Chỉ riêng năm 2023, ngành công an đã hỗ trợ xây dựng hơn 1.200 căn nhà; các nguồn lực khác đóng góp xây mới hơn 1.500 căn.
Ngoài việc hỗ trợ nhà ở, Sóc Trăng còn triển khai các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm, giúp người dân cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nhấn mạnh: "Cùng với việc giúp nhà dân trong các gia đình chính sách, hộ nghèo hộ cận nghèo có căn nhà mới yên ổn cuộc sống, thì chúng tôi lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia như là chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, chương trình phát triển nông thôn mới… để cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế để mà thoát nghèo bền vững".
Người già, trẻ nhỏ mong từng ngày để những ngôi nhà mới có thể sớm được hình thành. Hy vọng là với sự chung tay của các cấp chính quyền, các nguồn lực xã hội, thì những ngôi nhà mới như thế này sẽ sớm được hình thành.
Tuyên Quang: Hàng nghìn hộ dân vui mừng đón Tết trong những ngôi nhà mới
Trong những ngày cuối năm, khắp các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang, không khí rộn ràng và tràn đầy niềm vui khi hàng nghìn hộ dân nghèo, cận nghèo được đón Tết trong những ngôi nhà mới khang trang. Đây là kết quả của đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát do tỉnh triển khai trong suốt hơn ba năm qua, mang đến hơi ấm tình người, sự sẻ chia và tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tá, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, là một trong những hộ dân đầu tiên được hỗ trợ xây nhà mới. Cùng chung niềm vui, ông Hà Văn Căn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, cho biết: "Có nhà mới kiên cố, gia đình tôi đã ổn định và tập trung làm ăn để cải thiện cuộc sống."
Sau hơn ba năm thực hiện, tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho gần 7.500 hộ nghèo, trong đó trên 90% là nhà mới hoàn toàn. Những tháng cuối năm, các địa phương từ vùng cao đến đồng bằng đang tích cực huy động nguồn lực, khẩn trương xây dựng để kịp hoàn thành các căn nhà trước thềm năm mới.
Phong trào xóa nhà tạm còn nhận được sự tham gia tích cực của các đoàn thể địa phương. Hưởng ứng phong trào thi đua của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.
Ông Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang, khẳng định: “Hưởng ứng phong trào thi đua của thủ tướng đến hết năm 2025 sẽ xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo".
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thì chúng tôi cũng đã phối hợp triển khai, trong đó tiếp tục thực hiện các giải pháp mà được xác định trong Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Với những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, niềm vui nhân lên được đón Tết an vui trong ngôi nhà mới ấm tình người. Những căn nhà mới hoàn thành đều chứa đựng tình cảm, sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, giúp hàng nghìn hộ gia đình thoát khỏi cảnh sống tạm bợ, có nơi ở ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!