Sau sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên và trí thức trẻ miền Nam đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều nơi, phong trào gần như phải bắt đầu lại từ con số 0, các tổ chức công khai mất dấu.
Thế nhưng trong những ngày tháng khó khăn đó, một dòng chảy ngầm vẫn sục sôi tại những vùng lõm căn cứ của học sinh, sinh viên, thanh niên Sài Gòn - Gia Định, tập hợp, kêu gọi quần chúng, ủng hộ cách mạng, giương cao ngọn cờ đấu tranh. Ngay giữa lòng địch, họ đã được nuôi dưỡng, chở che bởi những bà má phong trào.
Bị bắt sau Mậu Thân, chịu tra tấn tù đày, con cái phải gửi nhờ họ hàng chăm sóc, nhưng khi trở về, má Hai Ca vẫn là điểm tựa vững vàng cho đám thanh niên ở vùng Bà Quẹo - Tân Phú.
Đó cũng là tinh thần của những bà má, người chị phong trào khu vực Bàn Cờ - Ngã Bảy như má Tô Kim Ngọc; tiệm tạp hóa của nhà vừa là kho hậu cần, vừa là điểm liên lạc, xưởng may cờ, băng tay cho lực lượng khởi nghĩa tiếp quản của má Thanh Chi, của xưởng in nhà chị Phạm Thị Ba in tài liệu, bích chương, khẩu hiệu, truyền đơn. Theo chân các má, các chị, ẩn trong những gánh hàng, cờ giải phóng và truyền đơn được chuyển đi khắp nội đô.
Cũng chính những điểm tựa vững vàng cả về vật chất và tinh thần ấy đã góp phần không nhỏ cho một Sài Gòn ngày 30/4/1975 đón quân giải phóng trong ít nhất những tổn thất. Các má, các chị cũng chính là những người mang hòa bình, thống nhất đến nhanh hơn cho đất nước.
Không có những trang vở, không có những trang nhật kí nào có thể kể và ghi lại hết tấm lòng của các bà má phong trào. Sự đùm bọc và hy sinh đó của các bà, các mẹ, các chị trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc luôn xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng cho người phụ nữ Việt Nam: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!