Nhiều công dân Việt Nam sau khi được giải cứu lại tiếp tục sang Campuchia

Quốc Thái-Thứ năm, ngày 27/03/2025 20:17 GMT+7

bangdatally.xyz - Nhiều người trong số công dân được giải cứu về Việt Nam đã từng được giải cứu trước đó nhưng lại tiếp tục quay lại Campuchia, tham gia các hoạt động lừa đảo.

Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cùng với các lực lượng chức năng nước bạn đã bàn giao cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Mộc bài hơn 20 công dân. Điều đáng nói, trong số những công dân này, có nhiều người đã được giải cứu trước đó nhưng về Việt Nam lại tiếp tục tìm đường sang Campuchia để rồi khi bị đánh đập, tra tấn thì lại tìm cách nhờ Đại sứ quán Việt Nam và cơ quan chức năng Campuchia giải cứu để đưa về nước.

Nhiều đối tượng vừa được tiếp nhận đưa về Việt Nam thừa nhận đã từng được công an Việt Nam đón về, nhưng sau đó vì thiếu tiền, các đối tượng tiếp tục quay lại Campuchia làm việc.

Đối tượng vừa được tiếp nhận đưa về Việt Nam cho biết :"Lần đầu con qua là năm 2024, sang đây làm công ty lừa đảo. Con làm tháng đầu tiên thì có doanh thu, nhưng hai tháng sau thì công ty không trả lương cho con nữa và đòi bán con đi thì con sợ quá con mới báo ra. Con được Công An Campuchia và Đại sứ quán Việt Nam giải cứu về Việt Nam, trao trả về Việt Nam một lần, con lại không có tiền nên con lại sang tiếp".

"Cháu sang từ đầu năm 2024, sau cháu làm không đủ chỉ tiêu nên cháu bị đưa sang công ty khác. Cháu không làm nên cháu gọi về nhà thì nhà cháu gọi điện cho Đại sứ quán Việt Nam và Công An Campuchia giải cứu cháu. Về được một tháng thì cháu lại qua lại Campuchia, cháu làm không được khách thì bị đưa qua hai công ty. Cháu lại gọi điện về nhà rồi nhà cháu lại nhờ Đại sứ quán và Công An Campuchia giải cứu cháu". Đối tượng vừa được tiếp nhận đưa về Việt Nam khác cho biết.

Trong số các công dân được đưa về Việt Nam đợt này, hầu hết đều sinh sống tại các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, các đối tượng sang Campuchia đều di chuyển bằng đường hàng không. Một số lượng lớn trong số họ sang để tham gia vào các hoạt động lừa đảo, với hình thức "lùa gà" làm phương thức chính.

Đối tượng vừa được tiếp nhận đưa về Việt Nam khai nhận: "App "lùa gà" là app mình sẽ đi hỗ trợ nạn nhân mất tiền trên các sàn app - mình sẽ giúp nạn nhân thu hồi lại nhưng thực chất mình sẽ lừa nạn nhân thêm tiền nữa. Mình sẽ giả danh thành an ninh mạng. App tiếp theo là app gọi điện, mình giả danh làm shipper gọi điện cho nạn nhân mình giao hàng. Mình kêu nạn nhân nhấp vào đường link của công ty, và nạn nhân sẽ mất hết tiền trong tài khoản".

Trung tá Ngô Xuân Kiên, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cho biết: "Đối tượng giải cứu trong đợt này tuy số lượng không nhiều nhưng có điểm đặc biệt là những đối tượng này đã được giải cứu đi giải cứu lại nhiều lần, bây giờ lại tiếp tục giải cứu. Điều này đặt ra 2 vấn đề, thứ nhất là ý thức của các đối tượng, cái thứ hai là công tác quản lý những đối tượng này tại địa phương mà chúng tôi đã trao trả trong đợt trước".

Rõ ràng, vì tham vọng kiếm tiền nhanh và bằng mọi thủ đoạn, dù đã được giải cứu, nhiều người vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để quay lại Campuchia. Điều này cũng có thể do chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc và thiếu cơ chế theo dõi chặt chẽ những người từng được giải cứu, khiến họ dễ dàng tái phạm. Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, tình trạng những người đã được giải cứu lại tiếp tục quay lại Campuchia và lại phải giải cứu sẽ vẫn còn tiếp diễn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

giải cứu

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước