Nhiều băn khoăn về Dự thảo sửa đổi Nghị định về an toàn thực phẩm

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 06/03/2025 11:05 GMT+7

bangdatally.xyz - Dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP nhằm nâng cao quản lý an toàn thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sáng ngày 5/3, Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Nhiều băn khoăn về Dự thảo sửa đổi Nghị định về an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Hội thảo được tổ chức vào sáng ngày 5/3

Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 20 hiệp hội và nhiều doanh nghiệp, tập trung vào ba nội dung chính: cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý và tăng cường hậu kiểm để nâng cao chất lượng thực phẩm. Các đại biểu đề xuất định nghĩa rõ ràng hơn về thực phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cũng như siết chặt quy định về thủ tục tự công bố sản phẩm. Ngoài ra, hội thảo cũng đề cập đến việc sửa đổi quy định về quản lý nhóm sản phẩm rượu và nước giải khát.

Dự thảo sửa đổi Nghị định đang trong quá trình hoàn thiện, với một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, cho phép sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm đới với thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ cơ sở sản xuất đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Thứ hai, doanh nghiệp được nộp hồ sơ yêu cầu bổ sung tối đa ba lần trong 30 ngày. Thứ ba, bổ sung quy định nhập khẩu thực phẩm được các tổ chức, cá nhân viện trợ nhằm phục vụ từ thiện. Thứ tư, bổ sung quy định giao Bộ Y tế xây dựng phần mềm quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý chất lượng sản phẩm thuộc lĩnh vực của Bộ Y tế. Cuối cùng, bổ sung thêm các mục hồ sơ tự công bố sản phẩm như yêu cầu thêm mẫu nhãn sản phẩm và tiêu chuẩn nhà sản xuất. Thời gian tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm là 7 ngày, và thời gian đăng tải trên trang thông tin điện tử là 3 tháng.

“Luật An toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2011, với hai nghị định hướng dẫn là Nghị định 38/2012 và Nghị định 15/2018. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và công nghệ trong sản xuất, chế biến thực phẩm đòi hỏi cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 15/2018. Các quy định mới sẽ phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ người tiêu dùng”, Tiến sĩ Đặng Xuân Sinh, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại Việt Nam nhận định.

Nhiều băn khoăn về Dự thảo sửa đổi Nghị định về an toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Tiến sĩ Đặng Xuân Sinh, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại Việt Nam cho biết về nội dung liên quan đến dự thảo sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Tuy nhiên, theo ông Sinh, dự thảo lần này vẫn chưa nhắc tới một số vấn đề gây nhiều lo ngại như thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể - những "điểm nóng" gây ra nhiều vụ ngộ độc thời gian qua.

"Việc lồng ghép thêm quy định cho thực phẩm tươi sống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố là cần thiết để lấp những "khoảng trống" hiện nay. Bởi đây là những nguồn cung cấp thực phẩm hàng ngày cho đa số người dân, nhưng nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng cao", ông Sinh nêu quan điểm.

Theo TS. Đặng Xuân Sinh, Nghị định 15/2018 đã nhấn mạnh vai trò của kiểm tra và hậu kiểm trong kiểm soát an toàn thực phẩm. Thực tế, phương pháp hậu kiểm đang được nhiều nước áp dụng vì tính hiệu quả, nhưng cũng gây lo ngại về thủ tục phức tạp, tốn thời gian. Do đó, cần có giải pháp giúp doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng, thuận lợi hơn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính công để giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ.

"Phương pháp hậu kiểm không chỉ giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường mà còn nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Việc áp dụng các chế tài phù hợp sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng, củng cố niềm tin vào hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý", ông Sinh chia sẻ.

Thị trường thực phẩm Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, với hơn 84.000 sản phẩm thực phẩm thông thường và hơn 54.500 sản phẩm thực phẩm chức năng. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp chế biến thực phẩm tham gia vào thị trường cũng ngày càng gia tăng. Trước dự thảo sửa đổi lần này, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội đã bày tỏ một số băn khoăn, lo ngại về các quy định mới.

Nhiều băn khoăn về Dự thảo sửa đổi Nghị định về an toàn thực phẩm - Ảnh 3.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP ước tính, những yêu cầu mới có thể khiến doanh nghiệp hao tốn hơn 7.000 tỷ đồng mỗi năm.

Các doanh nghiệp đã đề xuất bổ sung hai nội dung quan trọng: Thứ nhất, quy định về giấy tờ thay thế giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các đối tượng không có giấy đăng ký kinh doanh. Thứ hai, bổ sung quy định cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với sản phẩm nhập khẩu, bao gồm chế biến, xuất khẩu, gia công xuất khẩu hoặc sử dụng cho sản xuất nội bộ nhưng phát sinh dư thừa.

"Việc bổ sung hai nội dung này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây có thể là những điều chỉnh hợp lý. Hệ thống an toàn thực phẩm đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Việc cho phép sử dụng giấy tờ thay thế sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính mà vẫn đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài ra, hệ thống hành chính hiện nay đã tích hợp nhiều loại giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các quy định mới một cách linh hoạt và hiệu quả hơn", ông Sinh chia sẻ thêm.

Nhiều băn khoăn về Dự thảo sửa đổi Nghị định về an toàn thực phẩm - Ảnh 4.

Những ngày qua, trụ sở của Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận hàng trăm ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, hầu hết đều rất băn khoăn về thủ tục tự công bố sản phẩm, yêu cầu tạo thêm gánh nặng hành chính.

Một lo ngại đặt ra đối với quy định về chuyển mục đích sử dụng sản phẩm nhập khẩu là liệu điều này có ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm hay không. Ví dụ điển hình là trường hợp đậu tương. Trên thực tế, đã từng xảy ra tình trạng đậu tương nhập khẩu dành cho thức ăn gia súc bị lợi dụng, biến tướng thành nguyên liệu chế biến thực phẩm cho con người.

Cũng theo TS. Đặng Xuân Sinh, việc cho phép chuyển mục đích sử dụng sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt trong trường hợp dư thừa, có thể phù hợp nếu được kiểm soát chặt chẽ, giúp tăng cường an toàn thực phẩm khi sản phẩm nhập khẩu được phân phối ra thị trường.

"Doanh nghiệp nhập khẩu đã kê khai, kiểm nghiệm và công bố mục đích sử dụng ban đầu. Nếu có thay đổi, họ cần báo cáo với cơ quan quản lý để đảm bảo giám sát, kiểm tra chặt chẽ, tránh tình trạng trục lợi hoặc đưa ra sản phẩm không an toàn như trường hợp đậu tương nhập khẩu cho thức ăn gia súc nhưng bị sử dụng sai mục đích, gây rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng", ông Sinh cho biết.

An toàn thực phẩm là vấn đề thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân và gia đình. Việc Đảng và Nhà nước quan tâm đến vấn đề này là hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt trong bối cảnh các vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí tử vong xuất hiện không ít trong thời gian vừa qua.

Hy vọng rằng việc sửa đổi dự thảo Nghị định lần này sẽ đạt được mục tiêu đề ra, kịp thời khắc phục những bất cập, nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước