Nhiều người cần vay tiền để trang trải cuộc sống, nhưng cái giá phải trả có thể là quá đắt. Một số bên cho vay đã yêu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất có giá trị cao hơn nhiều lần số tiền vay. Hệ quả là ngay cả khi đã trả hết nợ, người vay vẫn có nguy cơ mất đất.
Cần tiền gấp để trả nợ, ông Dũng (xã Tam Bình, Cai Lậy, Tiền Giang) đã vay 700 triệu đồng của một người tên Sang ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Điều kiện là phải chuyển nhượng quyền sử dụng 2 mảnh đất của gia đình cho Sang. Khi nào ông Dũng trả hết lãi và nợ gốc, Sang sẽ trả lại giấy tờ đất.
"Công chứng làm giấy chuyển nhượng, sau này ông Sang sang tên cho tên khác rồi vay ngân hàng 1,5 tỷ rưỡi. Một năm mấy không đóng cho ngân hàng, ngân hàng tìm tới nhà tôi, tôi mới phát hiện", ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
"Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, coi như là vay nhưng tôi muốn ký hợp đồng chuyển nhượng, người ta đồng ý thì tôi mới làm", ông Nguyễn Thanh Sang (huyện Châu Thành, Tiền Giang) cho biết.
Ở Tiền Giang, hiện có khá nhiều người sử dụng hợp đồng giả cách để đi vay. Theo Bộ luật Dân sự, hợp đồng giả cách là loại giao dịch dân sự vô hiệu.
Hợp đồng mua bán đất giữa ông Sang và ông Dũng được gọi là hợp đồng giả cách. Mục đích là để bên cho vay dễ dàng thu hồi nợ hơn nếu người vay không trả tiền. Tuy nhiên hình thức này lại chứa đựng nhiều rủi ro. Ông Rừng (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vay của Nguyễn Thanh Sang 400 triệu đồng. Hết khả năng đóng lãi, ông quyết định lấy lại quyền sử dụng đất từ hợp đồng giả chấp bán để trả nợ. Tuy nhiên đã 4 năm, công cuộc đòi lại sổ đỏ vẫn chưa có kết quả.
"Vay vốn của ông thì bây giờ tôi vẫn đóng lãi bình thường. Khi tôi không có tiền, tôi vẫn bán đất trả lại cho ông Sang, ông nói ông mua luôn, trừ cấn dứt nợ 400 triệu đồng. Rồi xong, bây giờ lấy bằng khoán về cắt chuyển qua còn bao nhiêu đưa cho tôi, nhưng tới nay đã 4 năm, cứ hẹn hoài", ông Huỳnh Văn Rừng cho hay.
Ở Tiền Giang, hiện có khá nhiều người sử dụng hợp đồng giả cách để đi vay. Theo Bộ luật Dân sự, hợp đồng giả cách là loại giao dịch dân sự vô hiệu. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh, thậm chí là mất đất nếu bên cho vay lấy tài sản từ hợp đồng giả chấp để bán hoặc vay ngân hàng.
"Khi vay, chỉ nên ký hợp đồng vay, khi thế chấp tài sản để đảm bảo khoản vay thì chỉ nên ký hợp đồng thế chấp tài sản. Người vay không có ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì tuyệt đối không nên giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất", Luật sư Trần Công Tú (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) nhận định.
Để tránh những rắc rối pháp lý, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ các điều khoản khi vay tiền. Bởi nếu không chứng minh được hợp đồng giả chấp thì người vay tiền có thể mất luôn tài sản có giá trị gấp nhiều lần số tiền được vay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!