Người may cờ Tổ quốc ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột: Ký ức vẫn còn đó

Thanh Hải – Trần Tuấn - Lê Ngọc-Thứ sáu, ngày 25/04/2025 06:00 GMT+7

bangdatally.xyz - Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - người trực tiếp may cờ đỏ sao vàng - trong thời khắc lịch sử ngày giải phóng Buôn Mê Thuột ấy vẫn luôn nguyên vẹn.

Ký ức vẫn còn đó

Trong căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Viết Xuân (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đang cùng con cháu nâng niu, sắp xếp lại những kỷ vật quý giá. Những huân, huy chương, những tấm ảnh cũ ghi lại một thời hào hùng trong câu chuyện bà kể.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1942) tại xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tham gia cách mạng khi còn rất trẻ, bà được phân công về Tổ may mặc, Ban Kinh tài của huyện H4 (nay là các huyện Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ).

Người phụ nữ may cờ ngày giải phóng Buôn Ma Thuột.

Ban đầu, tổ may của bà chỉ may quần áo, mũ tai bèo, túi đựng gạo, balo cho chiến sĩ. Đến năm 1967, đơn vị được giao thêm nhiệm vụ may cờ Tổ quốc. Một nhiệm vụ hết sức thiêng liêng.

Nguồn nguyên liệu ngày ấy vô cùng khan hiếm. Để có được tấm vải đỏ, vải vàng may cờ, bà và đồng đội phải tìm cách liên hệ với các cơ sở của ta nằm trong vùng địch kiểm soát.

Do nguồn nguyên liệu khan hiếm, để có vải và dụng cụ may, bà cùng anh em trong tổ công tác thường xuyên phải xuống địa bàn, liên hệ với cơ sở. Điểm tập kết chính là Đồn điền Rosi (đồn điền cà phê từ thời Pháp để lại – PV). Khi không có lính mai phục thì mọi người trong tổ lại bí mật đi lấy hàng về. Nhiều khi, đang đi mà bị lộ thì phải tìm cách rút lui.

Cờ Tổ quốc luôn may theo đúng chuẩn dài 120 cm và rộng 80cm. Đầu tháng 2/1975, khi chiến sự đang chuẩn bị chuyển biến quyết liệt, tổ may của bà Lan nhận được lệnh may cờ đỏ sao vàng liên tục. Ba người trong tổ may suốt ngày, đến đêm lại thắp đèn dầu để làm việc, cứ tầm từ 3 đến 4 ngày thì được khoảng 100 lá cờ, làm được bao nhiêu thì lại có người trong đội công tác đến và mang đi. Trước đó, năm 1968 mọi người cũng may rất nhiều cờ nên lần này ai cũng thắc mắc nhưng không ai tưởng tượng được là sẽ được may những lá cờ trong trận đánh quyết định.

Người may cờ Tổ quốc ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột: Ký ức vẫn còn đó - Ảnh 2.

Bà Lan vẫn nhớ như in những ngày cực khổ để may được lá cờ ngày giải phóng Buôn Ma Thuột.

Nềm vui lớn nhất đến vào đêm 10/3/1975, khi tin giải phóng Buôn Ma Thuột vang lên từ chiếc radio. Bà Lan cùng đồng đội ôm nhau khóc, nước mắt rơi hòa vào niềm hạnh phúc vỡ òa. Những lá cờ họ miệt mài may suốt nhiều đêm liền giờ đã tung bay khắp phố phường, báo hiệu thắng lợi quan trọng chuẩn bị cho giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chồng bà, ông Nguyễn Du (SN 1930 - mất năm 2018) cũng là một cán bộ cách mạng, giữ chức Chính trị viên Huyện đội H5 (nay là địa bàn các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn và Ea Súp). Theo tư liệu tại Bảo tàng Đắk Lắk, đầu tháng 3/1975, đơn vị của ông Nguyễn Du có nhiệm vụ đánh lạc hướng Trung đoàn 53 (lực lượng chủ lực của địch) để hỗ trợ cho đòn tiến công chính vào trung tâm Buôn Ma Thuột. Đến 2 giờ sáng 10/3, đơn vị này được lệnh tiến công giải phóng Quảng Phú (xã Quảng Tiến và thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar).

Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Trong gần 50 năm sau ngày giải phóng, bà Lan luôn gìn giữ cẩn thận một lá cờ Tổ quốc do chính tay mình may vào tháng 3/1975. Với bà, đó là kỷ vật vô giá. Đến năm 2020, bà đã quyết định trao tặng lá cờ cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ để bảo quản lâu dài và lan tỏa giá trị lịch sử cho công chúng.

Sau chiến tranh (năm 1976), bà được cử đi học quản lý rồi trở về công tác tại ngành thương nghiệp cho đến khi nghỉ hưu.

Người may cờ Tổ quốc ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột: Ký ức vẫn còn đó - Ảnh 3.

Bà Lan trò chuyện cùng phóng viên Thời báo VTV và đưa xem những kỷ vật đi cùng năm tháng.

Người may cờ Tổ quốc ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột: Ký ức vẫn còn đó - Ảnh 4.

Chiếc võng là kỷ vật bà Lan giữ lại để làm kỷ niệm, nhiều kỷ vật khác bà đã tặng cho Bảo tàng Đắk Lắk và Bảo tàng TP HCM.

Hiện nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã ngoài 80 tuổi, sống cùng con cháu tại TP Buôn Ma Thuột. Gia đình bà có bốn người cháu nội, ngoại, đều ngoan ngoãn, học giỏi. Mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng, bà lại kể cho con cháu nghe những câu chuyện về thời kỳ kháng chiến, một cách để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau.

Buôn Ma Thuột hôm nay đã đổi thay từng ngày, trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên năng động, hiện đại. Trong dòng chảy hối hả ấy, có những ký ức không thể lãng quên, như những lá cờ đỏ sao vàng từng được dệt lên bằng cả máu, mồ hôi và niềm tin sắt son của những người như bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và đồng đội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước