Được hưởng lợi trực tiếp từ hồ trữ ngọt Kênh Lấp, nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Dây (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã thoát cảnh canh hứng từng giọt nước hoặc đổi nước ngọt với giá cao để sinh hoạt vào mùa khô. Phấn khởi hơn, nguồn nước dồi dào còn giúp ông đầu tư nuôi dê mang về thu nhập ổn định.
Ông Dây cho biết: "Mấy năm trước chưa có hồ này tôi nuôi heo với nuôi dê phải đổi nước. Mùa khô cũng mấy triệu bạc à. Bây giờ phủ ngon lắm. Khỏi tốn tiền, đỡ dữ lắm".
Nhìn hồ nước hơn 100ha hình thành giữa vùng phèn mặn U Minh, ông Võ Hoàng Oanh, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vô cùng phấn khởi. Có được nguồn nước ngọt dồi dào là khát khao của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Đó là mạch nguồn mở ra sinh kế bền vững cho hàng ngàn hộ dân địa phương.
Hiện nay người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, trồng bồn bồn, cần nước mùa khô rất lớn. Có hồ nước này sẽ phục vụ tốt cho nhu cầu nước của người dân trong sản xuất.
Sự đầu tư đồng bộ các công trình trữ ngọt của Chính phủ tại Đồng bằng sông Cửu Long đang phát huy hiệu quả tích cực. Nếu như mùa khô 2015 - 20216 toàn vùng có hơn 200.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, gần 90.000ha vườn cây ăn trái bị thiệt hại, hiện tại không còn khu vực nào thiếu nước nghiêm trọng, toàn bộ diện tích lúa, cây ăn trái cơ bản đảm bảo nước sản xuất.
Đầu tư các công trình thủy lợi, hồ trữ nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long đang mang lại lợi ích trực tiếp cho hàng triệu hộ dân trong khu vực. Lớn hơn các công trình này còn góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, giúp các tỉnh, thành trong khu vực quy hoạch lại các vùng chuyên canh sản xuất, hướng đến việc xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!