Ngăn chặn nhập lậu sản phẩm chăn nuôi
Càng gần tới Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của các gia đình tăng cao và việc kiểm soát an toàn thực phẩm cũng bước vào giai đoạn cao điểm. Tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hay trên biển có xu hướng tăng ở nhiều địa phương với nhiều phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Chính vì thế, lực lượng chức năng đã phải tăng cường các biện pháp xử lý để ngăn chặn một cách hiệu quả hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, nếu năm 2024 số vụ nhập lậu sản phẩm chăn nuôi được phát hiện đã tăng 53 vụ so với năm 2023, thì chỉ riêng tháng 1/2025, cả nước đã xử lý 13 vụ vi phạm với gần 12.000 sản phẩm động vật nhập lậu.
Sự gia tăng mạnh tình trạng nhập lậu, ngoài nguyên nhân người dân có thói quen sử dụng cánh, chân, nội tạng, giá lợn hơi tại Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực khoảng 10.000 -15.000 đồng/kg là yếu tố quan trọng.
Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Thịt lợn hơi sẽ có lãi so với giá thành sản xuất ra khoảng 20-25%. Như vậy, giá bán rất cao. Việc đó có những đột biến về số lượng nhập tương đối nhiều. Muốn giải quyết được vấn đề này, kiểm soát các đầu nậu ở các tỉnh, người bình thường không nhập được, phải qua đầu nậu. Thứ hai là các tỉnh biên giới phải kiểm soát thật chặt chẽ”.
Một cuộc họp khẩn giữa các bên vừa diễn ra. Trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của 12 tỉnh, Thành phố bao gồm Bắc Giang, Bình Phước, Cao Bằng, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Nai và Thái Bình. Theo Bộ Công an, tình trạng nhập lậu động vật và sản phẩm chăn nuôi đã không chỉ dừng ở đường bộ mà còn cả đường biển, quy mô ngày càng lớn.
Đại tá Lê Thơm - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết: “Cục Cảnh sát môi trường đã thu thập thông tin tài liệu về một đường dây vận chuyển lợn từ Thái Lan qua Campuchia và đưa về Việt Nam tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam”.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đề xuất Cục Chăn nuôi cũng như các cơ quan quản lý ở địa phương kiểm soát tổng đàn vật nuôi tại các địa bàn, vì hiện không có kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh dẫn đến chỉ cần trong một thời gian rất ngắn, động vật từ biên giới vào đất liền sẽ hợp thức hóa”.
Vào thời điểm trước, trong và sau Tết, Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt với Bộ Công an, biên phòng, hải quan tăng cường các biện pháp kiểm dịch, hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế thịt lợn nhập khẩu, đồng thời tăng cường quản lý các sản phẩm thịt nhập khẩu được bày bán tại các hệ thống siêu thị để ngăn chặn nguy cơ hợp thức hóa sản phẩm nhập lậu.
Với thịt lợn thông thường, chưa qua tẩm ướp, thời gian bảo quản trong ngăn mát dưới 5 độ C, có thể được khoảng 2-3 ngày
Thủ đoạn đưa thịt không rõ nguồn gốc ra thị trường
Khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là lúc các đối tượng trà trộn thực phẩm bẩn và kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường để trục lợi.
"Vì sức khỏe cộng đồng" là dòng chữ được in rất to trên nhãn mác các sản phẩm của doanh nghiệp này. Nhưng nhìn vào những tảng thịt lưu giữ trong kho bị lực lượng chức năng phát hiện thì hoàn toàn ngược lại. Hôi thối, chảy nhớt, tuy nhiên sau khi xử lý qua các khâu tẩm ướp, bắp hoa, thịt ba chỉ, hay gầu bò được thái mỏng, xếp khay và đóng gói chuẩn bị đưa ra thị trường với giá gần 80.000 đồng/khay.
Toàn bộ 3 tấn thịt trong kho bị phát hiện là của một công ty có trụ sở trên địa Hà Nội. Số thực phẩm này không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sau khi được đóng gói, dán nhãn, chủ hàng sẽ dễ dàng vận chuyển ra các bến xe khách đưa đi các tỉnh, Thành phố khác tiêu thụ nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện kịp thời.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm
Với thịt lợn thông thường, chưa qua tẩm ướp, thời gian bảo quản trong ngăn mát dưới 5 độ C, có thể được khoảng 2-3 ngày. Nếu để bên ngoài chỉ có thể an toàn trong hai giờ. Còn với rau củ quả mức độ tươi ngon càng khắt khe hơn. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn, đó là các điểm bán tại chợ hay siêu thị liệu có đảm bảo các quy tắc bảo quản này hay không? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của người bán và cả việc các bộ ngành địa phương tăng cường kiểm tra ở giai đoạn cao điểm này.
Ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nêu ý kiến: “Tôi đánh giá Hà Nội đã rất chủ động các kế hoạch, phân công cụ thể từ Sở, ban, ngành liên quan để triển khai. Bao gồm đáp ứng đủ nguồn cung cho dịp lễ, Tết cũng như công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản nói riêng và thực phẩm nói chung trên địa bàn TP. Hà Nội, vừa đảm bảo nhu cầu cho người tiêu dùng, vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm”.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Qua kiểm tra tại các Thành phố lớn, chúng tôi thấy rằng nguồn cung về hàng nông sản cơ bản được đảm bảo nguồn cung cho các Thành phố lớn. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch để phân công cho các ngành chức năng, nhất là y tế, công thương và nông nghiệp trong việc kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán”.
Việc giám sát này cần phải được thực hiện ngay từ khâu sản xuất, chế biến sau đó là tiêu thụ. Điều này đòi hỏi ý thức và trách nhiệm của từng đơn vị sản xuất vì lượng hàng hóa tiêu thụ rất lớn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Với những thị trường lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung sẽ phải chia sẻ, phân phối từ nhiều nguồn khác nhau, công tác giám sát an toàn thực phẩm cần có sự liên kết ở từng địa phương và cùng với đó là liên kết vùng một cách chặt chẽ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!