Mỗi dịp Tết đến, người dân Việt Nam lại háo hức với phong tục du xuân, một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày đầu năm mới. Đây không chỉ là dịp để thưởng thức cảnh sắc mùa xuân, mà còn là lúc để cầu chúc may mắn và hạnh phúc cho năm mới. Du xuân có thể đơn giản là khoác lên mình bộ quần áo mới, ra ngoài tận hưởng không khí xuân, gặp gỡ bạn bè và người thân, trao nhau những nụ cười ấm áp.
Những ngày này, khi hương xuân tràn ngập đất trời, nhiều người lại mong muốn tìm về một khung cảnh, một không gian gợi mở tâm hồn, như một dịp để chiêm nghiệm, hướng về những giá trị của tâm linh. Bởi vậy, tập tục du xuân vãng cảnh chùa ngày xuân đã là một thói quen không thể thiếu của rất nhiều người dân Việt Nam, không chỉ vì lý do tôn giáo, mà còn mang màu sắc văn hóa Tết cổ truyền.
Một trong những địa điểm đặc biệt để du xuân tại Hà Nội – làng cổ Đường Lâm, đây là một bảo tàng sống về văn hóa làng quê Bắc Bộ, nơi vẫn gìn giữ được những giá trị truyền thống đặc sắc. Ngoài ra, nhiều người dân cũng chọn vãng cảnh chùa đầu năm như một phong tục để cầu bình an và may mắn.
Đến vãng cảnh chùa Mía, ngôi cổ tự đẹp nhất nhì xứ Đoài, một trong số ít những ngôi chùa vẫn giữ được kiến trúc truyền thống nguyên bản đến tận ngày nay. Đây còn là nơi trưng bày, và bảo tồn số lượng lớn các pho tượng Phật cổ đẹp nhất Việt Nam. Vẻ đẹp kỳ bí, rêu phong và những giai thoại gắn liền với sự linh thiêng của bà chúa Mía đã biến ngôi cổ tự trở thành một trong những điểm tham quan tôn giáo nổi tiếng, hàng năm thu hút lượng lớn người đến chiêm bái, vãn cảnh.
Những chuyến du xuân không chỉ là hành trình tìm kiếm may mắn, mà còn là dịp để người dân khắc ghi và tiếp tục gìn giữ những phong tục đẹp trong văn hóa Tết cổ truyền của người Việt.
Xu hướng du xuân của người Việt hiện nay
Với Tết của thời nay, giới trẻ lại lựa chọn chuyến du xuân của mình tới các vùng đất mới để khám phá những trải nghiệm mới vào dịp đầu năm. Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm về những giá trị truyền thống trong dịp Tết cổ truyền. Thậm chí, nhiều gia đình lại lựa chọn đi du lịch thay vì ở nhà đón Tết như trước đây cũng là một cách đón Tết khá mới lạ và thú vị.
gười trẻ cùng nhiều gia đình những năm gần đây đã chọn đến những ngôi làng cổ yên bình, tham gia vào các hoạt động lễ hội, học làm các thức quà Tết truyền thống. Ở đây họ được bà con trong làng dạy làm món chè lam, kẹo lạc, những thức quà quê dân dã, không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền dân tộc tại nhiều vùng quê miền Bắc.
Phong tục du xuân không chỉ là hành trình tìm kiếm may mắn mà còn là dịp để mỗi người cảm nhận được tình yêu quê hương, gia đình, và đất nước.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ: "Với mình thì tình yêu gia đình xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước. Đây chính là những cái nôi để mà nuôi dưỡng, bồi đắp cho tâm hồn của các con, và các con cũng biết yêu mến những nét đẹp văn hóa, cũng như là truyền thống của Việt Nam".
Theo GS. TS Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Du xuân, dù là ở trong thời đại nào vẫn luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Dù ngày nay, việc "du xuân" đã biến đổi theo nhiều hình thức khác nhau nhưng tựu chung ý nghĩa của các hoạt động du xuân vẫn là để tận hưởng những ngày nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc căng thẳng, và bắt đầu cho một năm mới suôn sẻ, sung túc và bình an".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!