Giao mùa là thời điểm khí quyển rất bất ổn định, với nền nhiệt tăng nhanh, độ ẩm cao, trong khi không khí lạnh vẫn còn tồn tại. Các điều kiện này kết hợp lại tạo ra môi trường thuận lợi cho các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, mưa đá xuất hiện nhằm cân bằng lại khí quyển. Những hiện tượng này thường xảy ra trong phạm vi hẹp nhưng lại có sức tàn phá rất lớn. Trong tuần qua, nhiều địa phương trên cả nước tiếp tục ghi nhận dông lốc, mưa đá gây thiệt hại nặng nề.
Mới đây, vào ngày 10/4, nhiều khu vực thuộc tỉnh Bình Dương đã xảy ra mưa dông mạnh. Một cây xanh lớn bị gãy đổ, đè trúng xe máy đang lưu thông trên đường khiến một người thiệt mạng. Tại huyện Phú Giáo, mưa dông kèm mưa đá đã làm tốc mái 19 căn nhà, nhiều diện tích cây trồng như cao su, cây ăn trái và rau màu bị thiệt hại từ 20 đến 30%, tương đương khoảng 1,5ha. 71 cây xanh bị gãy đổ, 10 trụ đèn chiếu sáng bị hư hỏng và một số phương tiện như ô tô, xe máy cũng bị thiệt hại do cây đổ hoặc ngập nước.
Trước đó, vào chiều 9/4, dông lốc kèm theo mưa đá đã xảy ra tại hai xã biên giới Tam Quang và Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Mưa dông bất ngờ xảy ra trên địa bàn và kéo dài trong khoảng 30 phút. Thống kê ban đầu cho thấy có 16 nhà dân bị tốc mái, bay tấm lợp, mức độ thiệt hại từ 60 đến 70%. Lốc kèm theo mưa đá với đường kính viên đá khoảng 1-2 cm, một số viên to bằng ngón tay cái, đã làm thủng nhiều mái nhà dân.
Chuyển mùa: Khối khí va chạm, mưa dông bùng phát
Tháng 4 hàng năm là giai đoạn chuyển mùa ở cả miền Bắc và miền Nam. Ở miền Bắc, đây là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa Đông sang mùa Hè, còn ở miền Nam là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa.
Điểm chung của thời tiết trong giai đoạn này là sự tranh chấp giữa các khối không khí có tính chất đối nghịch. Tại miền Bắc, không khí lạnh tràn xuống trên nền nhiệt nóng, tạo ra sự tương tác mạnh mẽ giữa các khối khí. Sự tương tác này dẫn đến chênh lệch nhiệt độ và độ ẩm rất lớn giữa các tầng khí quyển. Chính sự chênh lệch này làm cho không khí bốc lên mạnh mẽ, tích tụ hơi nước và hình thành những đám mây dông lớn, có thể lên đến hàng chục km.
Khi sự chênh lệch này càng lớn, đối lưu càng mạnh, và nếu có thêm gió trên các mực độ cao khác nhau cả về hướng và tốc độ, sẽ tạo điều kiện cho xoáy mạnh hình thành trong mây dông. Điều này có thể phát triển thành lốc xoáy, kèm theo mưa đá, sấm sét và gió giật mạnh. Trong giai đoạn giao mùa, độ ẩm cao cũng góp phần làm cho các hiện tượng thời tiết này trở nên dữ dội và khó lường hơn.
Đề phòng dông lốc mạnh khi có không khí lạnh
Theo dự báo, ngay trong đêm nay, vùng núi Bắc Bộ và bắc Trung Bộ phải đề phòng hiện tượng dông lốc, mưa đá khi khối không khí lạnh tràn xuống.
Ông Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: "Nhận định đợt không khí lạnh này có thể kéo dài đến ngày 14/4. Từ ngày 15/4 nhiệt độ có xu hướng nhích dần lên. Đợt không khí lạnh này nén rãnh áp thấp di chuyển xuống phía nam, có thể gây ra dông lốc mạnh ở nhiều khu vực. Đặc biệt trong đợt không khí lạnh lần này chúng tôi nhận thấy khu vực Tây Bắc Bộ, Thanh Hoá - Quảng Bình xuất hiện mưa vừa mưa to, lượng mưa phổ biến 30-60 mm, lượng mưa có nơi trên 90mm. Mưa dông xảy ra cả ở Bắc Bộ lẫn Quảng Trị - Quảng Ngãi trong mưa dông đặc biệt lưu ý lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngoài ra, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ trong ngày 14-15/4 do nhiễu động gió đông khả năng gây ra cho khu vực này, cũng cảnh báo lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh".
Cường độ không khí lạnh ở mức trung bình đến mạnh trong tháng 4 là khá ít gặp. Tuy nhiên, đợt không khí lạnh hiện tại có khả năng gây ra rét vào ban đêm và sáng sớm. Sau đợt không khí lạnh này, từ giờ đến hết tháng 4, vẫn còn 1-2 đợt không khí lạnh nữa, tuy nhiên, những đợt cuối tháng 4 thường có cường độ yếu hơn và chủ yếu gây ra thời tiết lạnh vào ban đêm và sáng sớm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!