Theo báo cáo gần nhất được Bộ Tài chính công bố, 4.100 tỷ đồng là số tiền công đức, tài trợ thực thu trong 2023 tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc. So với những năm trước, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04 ngày 19/01/2023. Các cơ sở di tích cơ bản đã thực hiện nghiêm việc mở tài khoản tiền gửi tại kho bạc và ngân hàng để tiếp nhận công đức theo hình thức chuyển khoản.
Minh bạch tiền công đức là mục tiêu đúng đắn, để đảm bảo việc sử dụng được đúng mục đích và tránh tình trạng thất thoát xảy ra. Tuy nhiên, thực tế triển khai, tại một số di tích ở các địa phương lại vấp phải những "va chạm" không đáng có khi các bên liên quan chưa tìm được tiếng nói chung để thống nhất. Câu chuyện đang tồn tại ở cụm di tích Đền Dâu, Đền Quán Cháo ở Thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình là một minh chứng cho điều đó.
Chưa thống nhất việc quản lý tiền công đức tại di tích ở Ninh Bình
Du khách không để ý - không có nghĩa rằng, 2 hòm công đức giống nhau. Cùng là két sắt nhưng khác đơn vị quản lý. Một bên của Ban Quan lý Khu Di tích Thành phố Tam Điệp. Bên còn lại của Ban Quản lý Nhà đền. Theo phản ánh, tình trạng này kéo dài gần 2 năm nay, kể từ khi Thông tư 04 của Bộ Tài chính có hiệu lực.
Sở dĩ có chuyện như vậy là bởi xuất phát từ gốc tích của đền Dâu và đền Quán Cháo. Cho rằng có công xây dựng, tôn tạo và quản lý di tích từ 4 thế kỷ trước nên người dân thôn Lý Nhân, phường Yên Bình, Thành phố Tam Điệp vẫn tiếp tục ghi công đức và quản lý khu nội tự để thu toàn bộ tiền lễ trên các cung thờ.
Thời điểm trước năm 2023, toàn bộ tiền công đức ở hai ngôi đền vẫn do người dân làng Lý Nhân thu chi quản lý. Mọi bất đồng bắt đầu xảy ra, kể từ khi, Thành phố Tam Điệp thành lập Ban Quản lý triển khai tiếp nhận tiền công đức của du khách thập phương.
Sau nhiều cuộc đối thoại, việc quản lý tiền công đức tại 2 ngôi đền vẫn chưa có sự thống nhất để thu gom kiểm đếm chung đưa về một mối. Dù được thuê đến để tham gia công việc viết sổ công đức cho Ban Quản lý di tích của Thành phố Tam Điệp, chị Thương cũng cảm thấy không thoải mái trong lòng, sau khi chứng kiến những gì đã diễn ra.
Còn theo người đàn ông, trưởng ca trực đền hôm nay, kể từ khi xảy ra lùm xùm trong công tác quản lý tiền công đức, lượng du khách cũng có sự thay đổi so với trước.
Minh bạch nguồn tiền công đức tại Cụm di tích đền Dâu, đền Quán Cháo
Đây là một trong những công việc hàng ngày của tổ trực đền tại cụm di tích. Toàn bộ tiền lẻ trên các cung thờ được thu gom đưa vào két sắt của ban quản lý nhà đền. Để gia tăng số tiền công đức tiếp nhận, không chỉ một mà có đến 4 két sắt như vậy được tổ trực đặt ở nhiều vị trí trong đền.
Theo quy định nội bộ của làng Lý Nhân, người dân nào nếu đủ 55 tuổi, sẽ được đăng ký tham gia đi trực đền. Gần 140 thành viên sẽ chia thành nhiều ca trực, mỗi ca kéo dài 3 ngày. Khi hết ca trực, những người trong tổ trực đền có trách nhiệm chuyển toàn bộ số tiền công đức về đình làng Lý Nhân. Ngoài việc chi trả cho các hoạt động mua sắm thường xuyên tại đền; một phần để dành cho các phúc lợi của làng - thì một phần tiền công đức thu gom được dành để trả công các cụ đi trực. Trung bình mỗi tháng các thành viên được trả từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
Theo các thành viên trong tổ trực đền, việc kiểm đếm tiền công đức được thực hiện công khai, minh bạch. Tuy nhiên, số tiền công đức thu chi thế nào chỉ nội bộ Ban quản lý nhà đền mới được biết. Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Tam Điệp cho biết, sau rất nhiều lần vận động, phía tổ trực đền mới đồng ý báo cáo "bí mật" tiền công đức về phường. Từ tiền lẻ gom thành tiền tỷ. Theo số liệu báo cáo, từ tháng 6/2021 - tháng 3/2023, số tiền công đức, dầu nhang tại 2 ngôi đền thu được là hơn 18,3 tỷ đồng.
Theo đại diện Ban Quản lý di tích Thành phố Tam Điệp, việc sử dụng tiền công đức tại cụm di tích đền Dâu- đền Quán Cháo hiện nay chưa đúng với mong muốn và nguyện vọng của du khách thập phương. Trong khi nhiều hạng mục tại Cụm di tích chỉ được xây dựng tạm bợ nên hiện nay đã xuống cấp, nhếch nhác - cần sớm được tu bổ để khang trang hơn.
Theo báo cáo cuả Ban Quản lý di tích Thành phố Tam Điệp, từ tháng 1 - 2024 đến nay, sau khi tiếp quản, số tiền thu công đức tại 2 ngôi đền là 1,2 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được gửi vào tài khoản đã mở tại ngân hàng - để tạo nguồn vốn phục vụ cho việc đầu tư nâng cấp di tích sau này.
Quy định về nguồn thu công đức, tài trợ
Thông tư 04 của Bộ Tài Chính có hiệu lực từ năm 2023 đã quy định rõ: ngoài việc phải mở tài khoản tiền gửi tại kho bạc hoặc ngân hàng; hoặc cử người ghi chép để tiếp nhận công đức, tài trợ thì đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định phải được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Quy định cũng nêu rõ việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ được thực hiện như thế nào để đảm bảo công khai minh bạch.
"Của một đồng, công một nén", khi người dân đã tin tưởng trao lòng thành thì nơi tiếp nhận cũng phải xây dựng chữ tín. Công tác tiếp nhận, kiểm soát tiền công đức tại các cơ sở tâm linh - nếu không được tổ chức, quản lý và giám sát chặt chẽ, để xảy ra những lộn xộn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và sự tôn nghiêm của chính di tích đó. Câu chuyện đang xảy ra tại đền Đá Thiên, ở thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Lộn xộn hoạt động quản lý tiền công đức tại đền Đá Thiên
Tờ phiếu ghi nhận công đức này là thứ minh chứng cho những đóng góp của du khách thập phương khi đi lễ tại đền Đá Thiên. Thế nhưng điều lạ là, đơn vị tiếp nhận công đức lại là một doanh nghiệp tư nhân - chứ không phải là Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng của địa phương.
Để gia tăng nguồn thu, theo ghi nhận, phía công ty bố trí 2 bàn ghi công đức ở 2 vị trí khác nhau. Điểm chung là đều ở các vị trí thuận lợi, án ngữ ngay lối đi lại vào đền.
Sở dĩ có khu vực của công ty, vì trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên có diện tích khoảng 55ha do Công ty Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch ban đầu, đền Đá Thiên nằm trong diện tích triển khai dự án. Tuy nhiên, kết luận của thanh tra tỉnh vào tháng 6 năm 2024 chỉ ra, việc đưa đền Đá Thiên vào quy hoạch dự án là không phù hợp quy định. Trong khi việc điều chỉnh quy hoạch đến nay chưa được thực hiện - thì ngay phía trước, giáp ranh với Khu đền thờ Mộ Quan Hoàng Bảy đã mọc lên nhiều công trình dựng mái tôn xanh do doanh nghiệp xây dựng để đặt thêm các ban thờ tự. Theo kết luận thanh tra các công trình này được xây dựng trên diện tích đất khi chưa được UBND tỉnh giao đất đầy đủ.
Cũng tại đây, phía doanh nghiệp không chỉ lập ra các bàn ghi và tiếp nhận tiền công đức, mà còn đặt nhiều két sắt ở các vị trí khác nhau để tiếp nhận tiền dầu nhang của du khách thập phương.
Trong cùng một cơ sở tín ngưỡng, ngoài Ban Quản lý do địa phương lập ra - lại tồn tại song song một doanh nghiệp khác - cùng thu gom, tiếp nhận tiền công đức.
Tình trạng lộn xộn trong công tác quản lý tiền công đức nếu tiếp tục tiếp diễn sẽ không chỉ gây thất thoát - mà nhiều hơn, đó là mất niềm tin. Bởi những đồng tiền đóng góp đó, xuất phát từ tấm lòng của người dân với mong mỏi được sử dụng đúng mục đích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!