Thời gian gần đây, VTV đã liên tục phản ánh về tình trạng mạo danh bác sĩ, lương y; thậm chí có cả những câu lạc bộ diễn viên quần chúng chuyên đóng giả bệnh nhân; để quảng cáo, lừa bán thực phẩm chức năng. Dù các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý nhiều trường hợp nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ngang nhiên đến mức giả mạo cả chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam để đánh lừa người bệnh. Dù mức xử phạt cho hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến hơn 50 triệu đồng và trong thời gian qua, đã có hàng chục đơn vị sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt. Tuy nhiên, số tiền phạt này chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận khổng lồ mang lại từ việc rao bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.
Mạo danh VTV quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Chỉ sau vài ngày đăng tải trên một trang Facebook, phóng sự được gắn mác VTV1 này đã nhận được hàng nghìn lượt xem, hàng trăm bình luận và lượt chia sẻ, nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Gắn logo VTV1, và được dàn dựng như phóng sự của đài truyền hình Việt Nam loại thực phẩm chức năng này được quảng cáo có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường chỉ sau 1 lộ trình, khiến cho không ít người tin tưởng đặt mua. Trong khi đó đây là căn bệnh mạn tính, cần dùng thuốc điều trị suốt đời và y học hiện đại chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm.
Trong vai người bệnh, phóng viên đã tìm đến địa chỉ nhà thuốc tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì - Hà Nội. Bên trong tủ kính là hàng trăm hộp thực phẩm chức năng được quảng cáo có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường, và giá của 1 liệu trình uống trong 1 tháng cũng không hề rẻ.
Không biết những người đang nói chuyện với mình là phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, vợ của chủ nhà thuốc vẫn tự hào kể về thành tích được giới thiệu trên VTV.
Tuy nhiên ngay sau khi phóng viên đề nghị làm rõ về hành vi vi phạm bản quyền, mạo danh VTV trong phóng sự được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Chủ nhà thuốc ngay lập tức phủ nhận các nội dung được quảng cáo trong phóng sự, thậm chí còn tự khẳng định việc chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường là không tin được.
Tình trạng mạo danh VTV sản xuất các phóng sự sai sự thật rồi đưa lên không gian mạng để lừa dối người tiêu dùng vốn đã xuất hiện nhiều năm nay. Đối tượng thực hiện hành vi này là một số công ty truyền thông, thường xuyên thổi phồng tính năng, tác dụng của các loại thực phẩm chức năng , thậm chí tự dàn dựng các vai bác sỹ, bệnh nhân nhằm xây dựng lòng tin để móc hầu bao của người bệnh. Đến thời điểm hiện tại, các clip quản cáo thực phẩm chức năng lưu nguyên đường tâm có gắn logo VTV đã bị gỡ bỏ khỏi các trang mạng xã hội. Tuy nhiên Đài Truyền hình Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Liên tiếp vi phạm bản quyền VTV bằng các phóng sự giả mạo
Tất cả các phóng sự giả mạo này đều có đặc điểm chung là quảng cáo cho đủ loại thực phẩm chức năng, thổi phồng công dụng như 1 loại thần dược. Mục đích của các đối tượng này là sử dụng các biện pháp truyền thông để nhanh chóng bán được số lượng lớn sản phẩm trong một thời gian ngắn. Sau đó sẵn sàng từ bỏ nhãn hàng khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý, và sau đó lại xây dựng chiêu trò truyền thông cho 1 sản phẩm mới. Dù đã từng có những công ty truyền thông phải đến tận Đài Truyền hình Việt Nam xin lỗi và cam kết gỡ bỏ tất cả những phóng sự vi phạm bản quyền, tuy nhiên tình trạng mạo danh VTV để quảng cáo sản phẩm sai sự thật vẫn ngang nhiên tồn tại. Theo đại diện 1 công ty truyền thông, chỉ mất khoảng 30 triệu đồng chi phí sản xuất là doanh nghiệp đã có ngay 1 phóng sự gắn nhãn mác VTV1 để đánh lừa người tiêu dùng. Và góp sức không nhỏ vào các chiêu trò lừa đảo này là những diễn viên nghiệp dư trong vai người bệnh.
Những diễn viên nghiệp dư trong vai người bệnh
Một buổi hội thảo với chủ đề sức khỏe tiểu đường, không có khán giả, buổi hội thảo này được ghi hình trong trường quay với mục đích đăng tải lên các trang mạng xã hội, dụ dỗ người bệnh mua loại thực phẩm chức năng có tên gọi lưu nguyên đường tâm. Ngoài các chuyên gia, lương y thì buổi ghi hình cũng có sự xuất hiện của bà Thanh, người tự nhận là bị bệnh tiểu đường lâu năm, và đã được điều trị khỏi hoàn toàn nhờ thứ thần dược của ông Nguyên.
Dù bệnh nhân xúc động nghẹn ngào khi được gặp lại người thầy thuốc đã từng điều trị giúp mình thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng đáng ngạc nhiên là khi tiếp xúc với phóng viên VTV, ông chủ nhà thuốc Khôi Nguyên lại khẳng định không quen biết gì với bà Thanh hay những người bệnh khác đã xuất hiện trong phóng sự gắn logo mạo danh VTV.
Ông Nguyên không biết những người tự nhận là bệnh nhân của mình cũng là điều dễ hiểu, bởi tất cả họ đều là những diễn viên nghiệp dư, được 1 công ty truyền thông thuê về để dàn dựng phóng sự nhằm đánh lừa người bệnh. Những diễn viên này hầu hết được tuyển chọn từ 1 trang FB có tên CLB Điện ảnh truyền hình Thanh Xuân. Sau nhiều lần bị VTV phản ánh, trang FB này đã đổi tên, nhưng hình thức hoạt động thì vẫn như cũ. Trong vai 1 công ty muốn tìm diễn viên đóng vai bệnh nhân, phóng viên dễ dàng kết nối được với bà Thanh để nhờ diễn 1 vai bệnh nhân khác.
Trước tình trạng đóng giả bệnh nhân để lừa dối người tiêu dùng bị phản ánh nhiều lần, 1 số đơn vị sản xuất đã bắt buộc phải đăng tin tìm diễn viên bị bệnh thật, có sổ khám bệnh như thế này. Tuy nhiên vẫn có không ít những diễn viên nghiệp dư sẵn sàng diễn tất cả các loại bệnh để nhận được khoản thù lao vài trăm nghìn đồng 1 buổi.
Đến giáo sư, bác sỹ còn chẳng biết, thì những người dân thường, hàng ngày xem quảng cáo trên các trang mạng xã hội làm sao mà biết đây chỉ là những diễn viên giả vờ bị bệnh. Dù đều ý thức được việc quảng cáo, đưa thông tin sai sự thật lên các trang mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Thế nhưng mỗi ngày, hàng trăm clip quảng cáo thực phẩm chức năng được thổi phồng công dụng chữa bệnh như thần dược vẫn được tung lên các trang mạng xã hội nhằm trục lợi từ người bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!