Hiện nay, tình trạng lừa đảo mạo danh các trường đại học để tuyển sinh du học đang ngày càng gia tăng. Các đối tượng lừa đảo không chỉ đánh vào tâm lý mong muốn du học của sinh viên mà còn sử dụng các thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lừa đảo thường giả mạo thông báo từ các trường đại học nổi tiếng, cung cấp các chương trình du học hoặc trao đổi sinh viên quốc tế với những mức học bổng hấp dẫn từ 25% đến 100%. Những thông báo này có thể bao gồm chữ ký của hiệu trưởng hoặc các lãnh đạo trường, tạo sự tin cậy cho nạn nhân. Tuy nhiên, điều kiện tham gia các chương trình này lại rất dễ dàng, với thời gian đăng ký ngắn và yêu cầu sinh viên phải nộp khoản phí xét duyệt hồ sơ hoặc đặt cọc.
Nhiều sinh viên đã bị lừa, phải chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thời gian qua, không ít sinh viên được mời gọi tham gia chương trình du học dưới dạng trao đổi, liên kết với các trường đại học. Theo đó, sinh viên muốn tham gia phải nộp hồ sơ gồm đơn xin học bổng; bài luận cá nhân với đầy đủ mã số sinh viên, email, số điện thoại; hồ sơ tài chính.
"Những thư mời này giới thiệu mức học bổng khá ưu đãi từ 25-100%. Trong đó có chữ ký của hiệu trưởng trường đại học như thật. Khi tôi bày tỏ sự quan tâm học bổng này thì các đối tượng có yêu cầu tôi nộp một khoản phí và liên tục hối thúc là chương trình đăng ký còn rất ngắn" - một nạn nhân cho biết.
Từ đầu năm học đến nay, hàng loạt các trường Đại học như Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực đã phát đi cảnh báo về việc đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo lên trang thông tin của trường.
Gần đây, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được một văn bản văn bản giả mạo chữ ký hiệu trưởng với nội dung về chương trình trao đổi sinh viên với đại học ở Mỹ. Đối tượng tham gia bao gồm toàn thể sinh viên đại học, cao đẳng hệ chính quy, có học lực khá trở lên, tư cách đạo đức tốt và phải chứng minh tài chính với mức tối thiểu 500 triệu đồng.
Theo PGS.TS. Phạm Thanh Huyền, Trưởng Ban Công tác sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Sinh viện Đại học Bách Khoa có nhận được thông báo trao đổi sinh viên. Tuy nhiên, các format dễ nhận diện là lừa đảo. Chẳng hạn chúng tôi nhận được thông báo phía trên là của Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhưng phía dưới là tên của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thể thức văn bản thì họ làm giống như thật, và chỉ những người trong cuộc chúng tôi thì mới nhận ra. Tất cả các sinh viên nếu thuộc diện trao đổi thì không bao giờ phải chứng minh tài chính. Chính vì vậy chúng tôi đã lên bài cảnh báo".
Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân cho biết: "Nắm bắt được tâm lý nhiều phụ huynh muốn cho con đi du học, nhiều đối tượng đã mượn danh của các trường đại học có uy tín rồi lập ra các các web giả mạo, rồi bánh vẽ những ưu đãi rất lớn, điều kiện đầu vào không lớn. Kỹ thuật lập các trang web rất tinh vi từ đó rất nhiều phụ huynh đã mắc bẫy".
Cơ quan chức năng khuyến cáo, nếu muốn tham gia các chương trình du học trao đổi hoặc hoạt động khác, sinh viên cần kiểm tra thông tin trên trang web của trường hoặc liên hệ trực tiếp với phòng Công tác sinh viên và bộ phận tài chính để xác nhận thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc. Không truy cập vào các liên kết hoặc các tệp đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!