Trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 trong số 18 tội danh hiện nay, thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Theo Bộ Công an và các chuyên gia pháp luật, đề xuất này không làm giảm tính răn đe của pháp luật, mà còn thể hiện tính nhân đạo, đồng thời tăng hiệu quả trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt hoặc thất thoát.
Các tội danh được đề xuất bỏ án tử hình: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Gián điệp; Tham ô tài sản; Nhận hối lộ thay bằng hình phạt "tù chung thân không xét giảm án".
Bộ Công an cho biết, sau hơn 8 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nhiều quy định đã bộc lộ những bất cập, đặc biệt là về hình phạt tử hình. Cụ thể, mức định lượng và loại hình phạt trong các khung có hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn quá rộng, gây khó khăn trong thực tiễn xét xử.
Trong đó tội sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy theo Bộ luật Hình sự hiện hành quy định "phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình".
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an cho biết: "Không cần thiết áp dụng hình phạt tử hình vẫn đảm bảo tính răn đe nghiêm minh mà còn khách quan hơn trong quá trình áp dụng Luật. Chúng tôi đã tổng kết trong thực tiễn, nhưng sẽ thêm hình phạt tù chung thân không xét giảm án, tạo cơ hội cho phạm tội khắc phục hậu quả đã gây ra cho xã hội, nhận thức hợp tác tích cực, lập công chuộc tội với cơ quan chức năng, không nhất thiết tước đoạt mạng sống mà vẫn cách ly họ đảm bảo an ninh an toàn cho xã hội".
Theo đại diện Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trong thời gian qua cho thấy, một số tội danh không còn cần thiết phải duy trì hình phạt này.
Cụ thể, trong các vụ án liên quan đến tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật, hay sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, các tòa án hầu như không áp dụng hình phạt tử hình.
Ông Vũ Huy Khánh, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cho biết: "Trong số 18 tội danh quy định hình phạt cao nhất là tử hình nhiều tội không áp dụng và rất hạn hữu áp dụng. Do tuân thủ một quy trình hết sức đặc biệt nên việc thi hành không nhanh chóng được. Thực tiễn có người bị kết án trong một thời gian rất dài, chưa thể thi hành được, đây cũng là vấn đề cần có cơ chế pháp lý tháo gỡ".
Trước một số ý kiến lo ngại rằng việc bỏ hình phạt tử hình có thể làm suy giảm hiệu quả răn đe tội phạm, đặc biệt với các tội Tham ô tài sản và Nhận hối lộ, đại diện Bộ Công an khẳng định, việc thay thế bằng hình phạt tù chung thân không giảm án vẫn đảm bảo đủ sức răn đe và trừng trị nghiêm khắc. Đồng thời, hình thức này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, góp phần tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt hoặc thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
"Chúng tôi cho rằng hình phạt có tác động rất lớn với răn đe tội phạm. Tuy nhiên để giảm tội phạm thì chúng ta phải loại trừ nguyên nhân điều kiện ra khỏi xã hội chứ không phải tăng nặng hình phạt. Bởi vậy mặc dù chúng ta có thể không áp dụng hình phạt từ hình, nhưng với những khung hình phạt được quy định với tội danh đó đủ sức răn đe và đảm bảo tính khả thi trong áp dụng pháp luật và tác động tính cực công tác phòng ngừa tội phạm" - Thiếu tướng Phạm CÔng Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an cho biết.
Theo Bộ Công an, việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh là bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hiện nay, chỉ còn 55 quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn quy định hình phạt tử hình trong luật. Trong khi đó, 112 quốc gia – tức gấp đôi số quốc gia duy trì – không quy định án tử hình trong Bộ luật Hình sự, hoặc có quy định nhưng không áp dụng trên thực tế.
Đề xuất lần này tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong giai đoạn mới; đồng thời phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, và thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!