Sáng 25/2, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội) đã tổ chức toạ đàm "Sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021 - 2025".
Buổi toạ đàm do Đại tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chủ trì, với sự tham dự của PGS.TS, Nhà giáo Nhân dân, họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; Thạc sĩ, họa sĩ Đào Quốc Huy, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ngành Hội họa/Hội Mỹ thuật Việt Nam; Thạc sĩ, họa sĩ Hoàng Văn Tùng, Giảng viên Khoa Trang trí Nội ngoại thất/Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cùng các đại biểu đến từ các đơn vị trong và ngoài quân đội; các họa sĩ, nhà điêu khắc, tác giả; các sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Các đại biểu tham dự toạ đàm.
Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức Triển lãm mỹ thuật toàn quốc với đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng (2019-2024).
Đây là một hoạt động quan trọng trong Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật với chủ đề tương tự giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình này, nhiều hoạt động như đoàn thực tế, trại sáng tác và triển lãm chuyên đề đã thu hút đông đảo họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài Quân đội tham gia.
Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh Cách mạng là cuộc triển lãm định kỳ 5 năm một lần từ năm 1991 đến nay, là hoạt động quan trọng nằm trong Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng.
Năm 2025 là năm thực hiện tổng kết Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, bằng nhiều hoạt động tổ chức đoàn thực tế, trại sáng tác, triển lãm mỹ thuật chuyên đề phong phú, đa dạng đã thu hút đông đảo sự nhiệt tình tham gia của các họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài Quân đội.
Đại tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ tại buổi toạ đàm.
Đại tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, với nhiệm vụ là cơ quan thường trực vận động sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng, Bảo tàng đã tổ chức các hoạt động mỹ thuật trọng điểm giai đoạn 2021-2025 (mở các trại sáng tác trên 3 miền, tổ chức đoàn thực tế sáng tác các đơn vị trong Quân đội, tổ chức trưng bày triển lãm một số tác phẩm mỹ thuật đề tài LLVT- CTCM), tổ chức phát động sáng tác, tổ chức triển lãm, trưng bày 200 tác phẩm tiêu biểu về đề tài này trên không gian gần 3.000m2 tại tầng 2, tòa nhà chính; thu hút sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật trên cả nước.
"Trong triển lãm lần này các tác phẩm có chất liệu, hình thức thể hiện đa dạng, phong phú; bám sát đúng nội dung, chủ đề sáng tác; nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao, được hình thành thông qua các tài liệu ghi chép trong các đoàn thực tế sáng tác tại đơn vị Quân đội (Không quân, Pháo binh, Đặc công...); nhiều tác phẩm sáng tác về hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong xây dựng “Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; ca ngợi vẻ đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn hiện nay". Đại tá Huy chia sẻ.
Triển lãm mỹ thuật toàn quốc với đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng (2019-2024). (Ảnh: Đức Anh)
Cũng theo Đại tá Huy, triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần này đã vượt trội về số lượng tác phẩm mỹ thuật của các tác giả gửi tới tham gia, tăng hơn 150 tác phẩm so với triển lãm 5 năm trước (2014-2019). Các tác phẩm được lựa chọn trưng bày cũng có số lượng lớn hơn (năm 2019, trưng bày 150 tác phẩm; năm 2024, trưng bày 200 tác phẩm/644 tác phẩm gửi tham dự).
Triển lãm có sự hưởng ứng của các tác giả của 56 trên 63 tỉnh, thành gửi tác phẩm tham gia; tác giả mọi lứa tuổi tích cực tham gia (lớn tuổi nhất là họa sĩ Lê Xuân Quảng, 86 tuổi, sinh năm 1938, Thanh Hóa; nhỏ tuổi nhất là cháu Đào Như Hoàng, 18 tuổi, sinh năm 2006, Bắc Ninh).
Triển lãm trưng bày 200 tác phẩm/644 tác phẩm gửi tham dự. (Ảnh: Đức Anh)
Theo các diễn giả, qua các tác phẩm, dưới góc nhìn của các họa sĩ và nhà điêu khắc, đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng được phản ánh xuyên suốt với tinh thần đoàn kết, yêu nước, ý chí quật cường, quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do. Hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ" nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cùng với hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong quá trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bên cạnh đó, nhiều tác giả thể hiện niềm say mê và sự đổi mới sáng tạo nghệ thuật qua các tác phẩm về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm tham gia triển lãm, PGS.TS, Nhà giáo Nhân dân, họa sĩ Lê Anh Vân chia sẻ: "Các đề tài khai thác trong triển lãm lần này khá phong phú, nhưng có lẽ không tránh khỏi việc lặp lại những hình ảnh quen thuộc. Tuy nhiên, một số tác phẩm của các cá nhân có sự hiểu biết sâu về một lĩnh vực đã phản ánh được những vấn đề quan trọng. Hiện nay, với đề tài 'Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng' mà vẫn thu hút được nhiều người quan tâm và tham gia là một điều quý giá".
Trong suốt 80 năm qua, mỹ thuật hiện đại Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các giai đoạn kháng chiến và kiến quốc, nhiều thế hệ họa sĩ đã kế tiếp nhau sáng tạo, để lại cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.
Đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy đam mê sáng tạo của các họa sĩ và nhà điêu khắc, góp phần hình thành những tác phẩm tiêu biểu, còn mãi với thời gian. Những tác phẩm thuộc đề tài này giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!