Số vụ lừa đảo trực tuyến tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng trong quý 1, trở thành một trong những điểm nóng đáng báo động về tình hình kinh tế - xã hội ở TP Hồ Chí Minh. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, nhắm vào nhiều đối tượng, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến người cao tuổi.
Những cái bẫy mới
Chị N.K.O, một viên chức nhà nước ở TP Hồ Chí Minh cho biết, giờ nghỉ trưa, chị bỗng nhận được tin nhắn tự nhận là shiper, yêu cầu chị thanh toán 500 ngàn đồng cho một món hàng đặt trên mạng. "Thấy số tiền nhỏ và tôi cũng hay mua hàng qua mạng nên chuyển ngay, nhưng sau đó người này liên tục nhắn tin nói là đã chuyển nhầm, cần làm các bước để thu hồi lại số tiền đã mất, gài bẫy để lừa số tiền lớn hơn, rất may tôi đã kịp nhận ra và chỉ bị mất 500 ngàn."
Nhưng nhiều người không may mắn như chị O. Rất nhiều nạn nhân đã phản ánh bị mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng khi rơi vào bẫy lừa đảo trực tuyến. Nhiều loại hình lừa đảo kép: dịch vụ thu hồi tiền bị lừa (thực chất là lừa nạn nhân thêm một lần nữa). Hoặc lừa gạt tình cảm, sau đó dụ nạn nhân chụp hình nhạy cảm để tống tiền… cùng nhiều hình thức lừa đảo kiểu mới còn gây tổn thương tâm lý và khiến nạn nhân suy sụp.
Thống kê từ dự án xã hội Chống lừa đảo (chongluadao.vn) chỉ trong các tháng đầu năm 2025, "Chống lừa đảo" đã nhận được hơn 35 ngàn phản ánh từ các nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến. Tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó ba hình thức phổ biến nhất là lừa đảo mạo danh dịch vụ công của nhà nước, lừa đảo tuyển dụng, và cờ bạc online.
Theo Anh Lê Phước Hòa - Ban điều hành dự án Chống lừa đảo đánh giá: "Các hình thức này rất nguy hiểm, vì nó đánh vào tâm lý của người dân, dịp đầu năm còn thích vui chơi giải trí, nhu cầu tìm việc cao, cũng như hiện có nhiều chính sách nghị định mới ban hành"
Không chỉ cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ cũng trở thành mục tiêu. Một số công ty bị tin tặc tấn công qua email giả mạo đối tác, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản "mới" với lý do thay đổi thông tin ngân hàng.
Lừa gạt tình cảm, sau đó dụ nạn nhân chụp hình nhạy cảm để tống tiền… là hình thức lừa đảo kiểu mới khiến nạn nhân không chỉ thiệt hại tài sản, mà còn tổn thương tâm lý nặng nề. (ảnh minh họa)
Vì sao số vụ lừa đảo tăng cao?
Nguyên nhân khiến lừa đảo trực tuyến bùng phát tại TP Hồ Chí Minh đầu năm nay xuất phát từ nhiều yếu tố. Sự bùng nổ của giao dịch trực tuyến sau Tết, cộng với tâm lý chủ quan của nhiều người khi thực hiện các giao dịch online, tạo điều kiện cho tội phạm mạng lợi dụng.
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) nhóm tội phạm lừa đảo đã nâng cấp chiêu trò bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả giọng nói, hình ảnh và tin nhắn, khiến nạn nhân khó phân biệt thật - giả.
Ngoài ra, sự phát triển của các nền tảng vay tiền trực tuyến cũng khiến nhiều người rơi vào bẫy "tín dụng đen" trá hình. Các app cho vay giả mạo ngân hàng hoặc công ty tài chính hợp pháp, dụ dỗ người dùng vay tiền rồi đe dọa, ép trả nợ với lãi suất cắt cổ.
Giải pháp nào để tránh "sập bẫy"?
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hay tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai qua điện thoại hay tin nhắn. Khi nhận được thông tin bất thường, cần xác minh trực tiếp với ngân hàng hoặc đơn vị liên quan trước khi thực hiện giao dịch.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của các nền tảng số trong việc tăng cường bảo vệ người dùng. Các ngân hàng, sàn thương mại điện tử và nhà mạng cần phối hợp chặt chẽ để phát hiện và chặn đứng các chiêu trò lừa đảo từ sớm. Đồng thời, cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn với những đối tượng lợi dụng công nghệ để phạm tội.
Lừa đảo trực tuyến không còn là câu chuyện cá biệt mà đã trở thành mối đe dọa lớn trong nền kinh tế số. Người dân cần trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình, trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực đấu tranh với loại hình tội phạm mới và phức tạp này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!