Lợi dụng chính sách thị thực để vi phạm pháp luật

Thanh Huyền, Anh Nguyên-Chủ nhật, ngày 20/04/2025 06:06 GMT+7

bangdatally.xyz - Việt Nam siết chặt quản lý người nước ngoài sau khi phát hiện nhiều vi phạm pháp luật liên quan cư trú, lao động trái phép, gây áp lực lớn lên an ninh và ngân sách.

Từ tháng 8 năm 2023, Việt Nam chính thức cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời hạn lưu trú lên đến 90 ngày.

Chính sách thị thực cởi mở, cùng quy trình đơn giản và nhanh chóng, đã góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế, chuyên gia và nhà đầu tư đến làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sự thuận tiện trong thủ tục cũng kéo theo những thách thức mới trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, khi các hành vi trục lợi, giả mạo hồ sơ và vi phạm quy định thị thực ngày càng gia tăng.

Trong một đợt kiểm tra tại phường Hồng Phong, quận An Dương, TP Hải Phòng, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 40 người nước ngoài đang cư trú và làm việc tại một công ty trong khu vực. Những người này đều sử dụng thị thực điện tử với thời hạn lưu trú 90 ngày tại Việt Nam, nhưng không có giấy phép lao động, không ký hợp đồng lao động, và thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Lợi dụng chính sách thị thực để vi phạm pháp luật - Ảnh 1.

Người nước ngoài cho biết: ""Công ty bảo làm thì tới làm, chúng tôi tới làm việc, không gây rối trật tự là được rồi. Sau 90 ngày, chúng tôi sẽ về nước và xin visa mới để quay lại làm tiếp nếu Công ty yêu cầu".

Phần lớn những người lao động nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đều có trình độ thấp, đến từ các quốc gia kém phát triển.

Không ít người trong số họ là nạn nhân của các đường dây môi giới trá hình, bị lừa hàng nghìn USD với lời hứa hẹn việc làm ổn định. Tuy nhiên, khi đặt chân đến Việt Nam, họ buộc phải sống chui lủi trong các khu trọ tạm bợ, không việc làm, không giấy tờ hợp pháp và cũng không có cơ hội trở về quê hương.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, đã có hơn 16.000 người nước ngoài vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Trong đó, 220 trường hợp liên quan đến các tội danh hình sự nghiêm trọng như nhập cảnh trái phép, cướp giật, buôn bán ma túy…

Lợi dụng chính sách thị thực để vi phạm pháp luật - Ảnh 2.

Riêng trong 3 tháng đầu năm, đã ghi nhận hơn 4.500 trường hợp vi phạm.

Những vi phạm này không chỉ gây mất ổn định trật tự xã hội, mà còn tạo áp lực lớn cho nhiều địa phương trong việc bố trí chi phí tạm giữ, xử lý cưỡng chế và thực hiện các thủ tục trục xuất. Trại giam Vĩnh Quang – nơi đang giam giữ nhiều phạm nhân là người nước ngoài – đã nhiều lần rơi vào tình trạng quá tải.

Hiện trại đang quản lý và giam giữ gần 500 người nước ngoài. Mặc dù các thủ tục trục xuất đang được đẩy nhanh, cơ sở vật chất tại trại vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và thi hành án.

Thượng tá Đỗ Thành Giang, Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Bộ Công an cho biết: "Chúng tôi phải sắp xếp, bố trí thêm các buồng giam, đôi khi phải từ chối công an các địa phương gửi đối tượng lên, giải quyết khó lắm, bất đồng về ngôn ngữ, các đối tượng thường xuyên chống đối, vi phạm các quy định của trại giam…"

Áp lực không chỉ dồn lên các cơ sở giam giữ trung ương. Trước tình trạng số lượng người nước ngoài vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, nhiều địa phương đã phải chủ động thành lập các khu lưu giữ tạm thời để quản lý người vi phạm trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục xuất cảnh.

Các địa phương như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh... đều đã ghi nhận tình trạng này, cho thấy tính chất lan rộng và phức tạp của vấn đề.

Lợi dụng chính sách thị thực để vi phạm pháp luật - Ảnh 3.

Cần nâng cao công tác quản lý người nước ngoài

Mỗi trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật và bị tạm giữ là thêm một gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

Thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, với sự xuất hiện của các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia mà trong đó, không ít đối tượng là người nước ngoài đóng vai trò chủ mưu hoặc tiếp tay. Trong bối cảnh hội nhập là xu thế tất yếu, để tiến tới hội nhập bền vững, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ cả dòng người nhập cảnh lẫn người nước ngoài đang lưu trú trong nước.

Tại nhiều khu nhà trọ giá rẻ, chật chội và xuống cấp, người nước ngoài vẫn sinh sống dù đã quá hạn visa. Chủ nhà trọ không khai báo cư trú, người thuê không ký hợp đồng. Những kẽ hở trong quản lý này đã tạo điều kiện cho hành vi vi phạm kéo dài mà không bị phát hiện.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vì muốn cắt giảm chi phí đã tuyển dụng lao động nước ngoài không có giấy phép, tiếp tay cho hoạt động lao động trái phép và gây thêm khó khăn trong công tác quản lý lao động nước ngoài tại địa phương.

Thượng tá Hồ Trọng Huy, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết: "Vì lợi nhuận, vì trốn thuế, tuy nhiên những cái lợi ích đem lại cho họ như thế rất nguy hiểm vì người nước ngoài vi phạm ảnh hưởng rất lớn tới an ninh trật tự và tiềm ẩn nhiều rủi ro…"

Để quản lý chặt hơn mà không cản trở hội nhập, lực lượng chức năng đang từng bước hiện đại hóa, sử dụng công nghệ cao để phân tích rủi ro hồ sơ visa, Kiểm tra và đảm bảo 100% các cơ sở lưu trú phải khai báo tạm trú cho người nước ngoài. Tăng cường phối hợp lực lượng liên ngành kiểm tra các hoạt động cư trú, lao động của người nước ngoài trên cả nước.

"Chúng tôi sẽ tham mưu với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao để nghiên cứu, đề xuất đưa ra khỏi danh sách được cấp thị thực điện tử ưu đãi đối với những quốc gia có tỷ lệ công dân vi phạm pháp luật tại Việt Nam ở mức cao. Mục tiêu là vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nước ngoài nhập cảnh, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, vừa chủ động phát hiện sớm, từ xa những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình nhập cảnh và lưu trú."

Quản lý người nước ngoài – không phải để dựng lên rào cản, mà để đảm bảo mọi sự hiện diện tại Việt Nam đều tuân thủ pháp luật, và mọi cơ hội phát triển đều không bị lợi dụng.

Trước tình hình trên, Bộ công an đã mở đợt cao điểm để đấu tranh phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và xử lý vi phạm đối với người nước ngoài trên toàn quốc. Kết quả, chỉ nửa đầu tháng 4 này đã xử lý thêm hơn 900 người nước ngoài vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước