Với nhiều người Việt, đây là dịp để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cũng như cầu mong bình an, may mắn, hạnh phúc. Dù cuộc sống có bộn bề và thay đổi ra sao, những nét đẹp truyền thống trong ngày Rằm tháng Giêng vẫn được nhiều gia đình Việt lưu giữ.
Giữa cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình vẫn giữ gìn nét đẹp truyền thống. Hôm nay, chị Thủy cùng con trai dậy sớm đi chợ, chuẩn bị mâm lễ dâng lên tổ tiên.
"Gia đình chúng tôi vẫn giữ nét truyền thống từ nhiều đời, từ các cụ truyền thừa lại, một mâm cỗ gồm 6 món, có một bát canh, một con gà cánh tiên. Trước là kính tổ tiên, thứ hai là con cháu được quây quần, ôn lại kỷ niệm từ trước đến nay để nhắc nhở con cháu luôn luôn tri ân tổ tiên, sống có phúc, có đức", bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Người Việt rất coi trọng việc cúng lễ trong ngày Rằm tháng Giêng. (Ảnh: NLĐ)
Không chỉ tại các gia đình, tâm thức hướng về cội nguồn còn hiện rõ ở những ngôi chùa. Tại chùa Vạn Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội), trước khi trăng lên, đông đảo Phật tử đã tề tựu tụng kinh, niệm Phật, cầu quốc thái dân an và thực hiện nghi thức phóng sinh.
Đi chùa ngày Rằm đầu tiên của năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, là hành trình trở về với cội nguồn.
Dưới ánh trăng và những ngọn nến lung linh, Phật tử cùng nhau đón một đêm trăng ấm cúng, gửi gắm những ước nguyện an lành.
Rằm Tháng Giêng với những phong tục đẹp, kết nối con người thiên nhiên, với ông bà tổ tiên. Những giá trị ấy vẫn luôn được trân trọng và tiếp nối qua bao thế hệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!