Người chết vẫn ký, người không có tên trong hộ khẩu cũng ký. Hợp đồng tên chủ hộ là ông A nhưng vợ, con lại là của ông hàng xóm… Hơn 200 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp được các chủ hộ xác nhận là chưa bao giờ ký.
Không chỉ vậy, nhiều căn cứ pháp lý còn thiếu, nhưng những hợp đồng này lại được chính quyền địa phương chấp thuận để ban hành quyết định giao đất cho bên mua nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng. Câu chuyện này xảy ra không phải ở một địa phương xa xôi, hẻo lánh mà ở ngay Hà Nội.
Hợp đồng chuyển nhượng đất được chủ hộ ký vào năm 2007, nhưng trên thực tế, theo Giấy chứng tử, chủ hộ đã mất từ 2005.
"Giấy chuyển nhượng đó khi tôi nhận, bố tôi chết được sau 2 năm mà có chữ ký thì tôi muốn nhờ mọi người tìm hiểu giúp tôi xem ai là người đi đến gặp bố tôi ở dưới mồ để lấy được chữ ký đấy", bà Nguyễn Thị Kim Thoa (thôn 3, xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) nói.
Hơn 50.000 m2 đất nông nghiệp của 230 hộ dân ở Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội, đều ký cho thuê cùng một thời điểm năm 2003, hết hạn cùng 1 thời điểm 2017. Tuy nhiên đất không được trả lại cho người dân như thỏa thuận ban đầu.
Tại hợp đồng này, chủ hộ cùng vợ con ký tên, nhưng vợ và các con lại là của người ở xóm khác. Thậm chí, người không có tên trong hộ khẩu, người không có mặt ở địa phương nhiều năm, người mù chữ cũng có chữ ký, ghi đầy đủ họ tên trên các hợp đồng chuyển nhượng.
"Bất thường là chồng con tôi không biết chữ mà lại biết ký ở hợp đồng này, làm cái gì là chồng tôi chỉ có điểm chỉ thôi. Tôi là họ Phạm mà đề ở đây là họ Nguyễn", bà Phạm Thị Sửu (thôn 3, xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết.
"Cán bộ thôn đi thuyết phục dân là chúng tôi đại diện danh nghĩa cán bộ, chúng tôi cho thuê hộ, được bao nhiêu tiền 1 m trong từng đấy năm thì chúng tôi trả gia đình bấy nhiêu, không bớt của gia đình 1 xu", ông Hoàng Văn Hòa (thôn 3, xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ.
Hơn 50.000 m2 đất nông nghiệp của 230 hộ dân ở Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội, đều ký cho thuê cùng một thời điểm năm 2003, hết hạn cùng 1 thời điểm 2017. Tuy nhiên đất không được trả lại cho người dân như thỏa thuận ban đầu, thay vào đó là 230 hợp đồng chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp, bất chấp việc người dân khẳng định họ chưa bao giờ ký vào những hợp đồng chuyển nhượng này.
"Với chức năng nhiệm vụ của UBND xã, chúng tôi không có bản chính, vì chúng tôi không lưu, khi ký cho nhân dân là văn bản này chúng tôi không lưu, nên thực ra xem hồ sơ mà chỉ là chữ ký photo thì không thể biết được chữ ký như thế nào", ông Nguyễn Văn Sinh (Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) cho hay.
Những khuất tất cần làm rõ tiếp theo là vì sao những hợp đồng chuyển nhượng đất không đúng quy định của pháp luật, nhưng chính quyền địa phương vẫn lấy làm căn cứ để ban hành quyết định giao đất cho bên mua, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp nghiễm nhiên sử dụng đất trong hàng chục năm qua, mà không phải đóng bất cứ khoản thuế phí đất đai nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!