Lai Châu: Xóa đói giảm nghèo cho người Mảng còn gặp nhiều khó khăn

Quân Nguyễn - Hoàng Anh-Thứ sáu, ngày 25/04/2025 06:51 GMT+7

Bà con xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn - Lai Châu) xay xát lúa.

bangdatally.xyz - Người Mảng là dân tộc dưới 10.000 người ở Lai Châu, những năm qua công tác xóa đói, giảm nghèo đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Trong các dân tộc đặc biệt của vùng Tây Bắc, đồng bào dân tộc Mảng sống tập trung chủ yếu ở huyện Nậm Nhùn, Mường Tè, Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Đây cũng là dân tộc nghèo nhất, khó khăn nhất cả nước và thường được gọi với cái tên "Xá Lá Vàng". 

Trước đây, người Mảng có lối sống du canh, lang thang du mục giữa đại ngàn, tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, bằng cách săn bắn, hái, lượm. Trong những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mảng tại xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu nói riêng, bằng các nguồn vốn chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 135... Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, hàng năm do ảnh hưởng của thiên tai, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học... Trong khi đó, nguồn vốn duy tu sửa chữa còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nên hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho phát triển KT-XH của đồng bào dân tộc Mảng. 

Lai Châu: Xóa đói giảm nghèo cho người Mảng còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Một góc xã Nậm Ban.

Cho đến hiện tại, đời sống của đồng bào Mảng vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, thoát nghèo không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Ông Chào Anh Tuyên, Chủ tịch UBND xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: "Trong quá trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã, diện tích đất sản xuất bà con dân tộc Mảng rất là ít, phong tục canh tác của bà con hiện chưa áp dụng được khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng, bà con còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Chúng tôi cũng đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên ban giảm nghèo đi đến từng bản, hộ dân tư vấn giúp đỡ. Trong quá trình giảm nghèo chúng tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất". 

Hiện, UBND xã Nậm Ban đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mảng giai đoạn 2021-2025, nhằm sớm đưa dân tộc Mảng ra khỏi tình trạng đói nghèo, tụt hậu, từng bước hòa nhập và hội nhập với sự phát triển chung của tỉnh. Quế là cây trồng ưa đất đồi ẩm và khí hậu mát mẻ nên quế thích hợp khi được trồng trên diện tích đồi rừng xã Nậm Ban. Giống cây này dễ trồng, khó bị đốn ngã bởi gió, bão và có giá trị kinh tế cao do mọi bộ phận từ thân, lá, cành đều có thể bán với giá khá ổn định. Nên công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia trồng phát triển kinh tế từ những cây trồng luôn được chính quyền xã Nậm Ban trú trọng, quan tâm. 

Lai Châu: Xóa đói giảm nghèo cho người Mảng còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Dù còn khó khăn, bà con dân tộc Mảng vẫn nỗ lực vươn lên.

Có diện tích đất đồi trọc hơn 2ha, Gia đình anh Tào A Hòa, dân tộc Mảng, bản Nậm Ô, xã Nậm Ban mặc dù đã trồng nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm nhưng đều thất bại. Năm 2022 được Nhà nước hỗ trợ hơn 13.000 cây giống Quế và phân bón. Sau 1 năm cây quế của gia đình anh hiện đang lớn, có những cây hiện đã cao hơn 1m, tuy nhiên do địa hình đồi trồng Quế đất cằn, dốc, cao nên Quế vẫn có cây to, cây nhỏ, phát triển không đồng đều. Nhưng gia đình anh vẫn hy vọng sau 5 đến 7 năm cây quế sẽ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Anh Tào A Hòa, bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: "Được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi được 13.000 cây quế, phân bón trong thời gian tới gia đình sẽ chăm sóc và rất mong đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình". 

Do điều kiện tự nhiên khó khăn, địa bàn cư trú của người dân chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, tập tục canh tác lạc hậu nên cuộc sống của phần lớn đồng bào dân tộc Mảng vô cùng khó khăn. Hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa thật sự chăm chỉ làm ăn, còn tư tưởng trông chờ vào các nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ; bên cạnh đó, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Mảng còn hạn chế, nên rất khó khăn tuyên truyền, vận động bà con phát huy nội lực tự vươn lên phát triển kinh tế. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã chủ yếu rơi vào các hộ dân tộc Mảng. 

Anh Hù Chà Suy, Cán bộ địa chính nông nghiệp xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã Nậm Ban một số bà con nhận thức còn hạn chế, ỷ lại trông chờ vào Nhà nước. Xã cũng đã vận động tuyên truyền nhưng nhận thức của bà con còn rất hạn chế dẫn đến xóa đói giảm nghèo còn nhiều khó khăn". Trước kia, gia đình bà Chìn Me Long, dân tộc Mảng ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban phụ thuộc vào việc trồng ngô, sắn trên nương, chăn nuôi trâu, bò nhỏ lẻ chỉ để lấy sức kéo, gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhờ được tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức, năm 2000 gia đình bà Long mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. Ban đầu gia đình mua trâu, bò cái để sinh sản theo hướng bán chăn thả và trồng cỏ voi. Hiện nay gia đình bà mỗi năm bán trâu, bò từ 3 đến 5 con, tổng thu một năm từ chăn nuôi, sau khi trừ chi phí, thu nhập gia đình ước đạt từ 35 đến 45 triệu đồng/năm. 

Lai Châu: Xóa đói giảm nghèo cho người Mảng còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh 3.

Từng bước xây dựng bản làng.

Bà Chìn Me Long, bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: "Trước kia gia đình tôi được hỗ trợ 1 chuồng trại rộng hơn 30m2, giống gia đình tự mua về nuôi dần dần phát triển. Gia đình rất mong được Nhà nước hỗ trợ thêm nguồn giống để phát triển hơn nữa và tạo nguồn thu nhập cho gia đình". Tìm hiểu thực tế, Nậm Ban có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc như: địa hình chủ yếu là đồi núi có thể tận dụng để chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. 

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã Nậm Ban đã có sự dịch chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nếu như trước đây, bà con chăn nuôi chủ yếu làm sức kéo thì nay đa phần để bán thịt và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Trung bình 1 con bò, sau 2 năm nuôi thương phẩm, bà con bán được với giá trên 20 triệu đồng. Nếu mỗi hộ nuôi trung bình 5 con, sau 2 năm cũng có thu nhập 100 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống. Vì thế, đàn trâu, bò cũng đã tăng dần về số lượng không ngừng tăng.

Lai Châu: Xóa đói giảm nghèo cho người Mảng còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh 4.

Tìm tòi phát triển các mô hình kinh tế mới

Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã Nậm Ban hiện vẫn gặp không ít khó khăn, như: Chưa có thị trường đầu ra ổn định; giá cả lên xuống bấp bênh; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ. 

Ông Nguyễn Văn Đài, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết thêm: "Trong thời gian vừa qua để tạo sinh kế cho người dân tộc Mảng, sau khi UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 07, xã cũng đã triển khai tới toàn thể bà con nhân dân, hiện nay xã có 7 hộ gia đình đã tổ chức thực hiện xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng tập trung". 

Để giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Mảng nơi đây, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần phải phát huy được vai trò, tiếng nói của Người có uy tín, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản và đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mảng. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc Mảng về công tác tại địa phương. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục, các tệ nạn xã hội để từng bước đưa đời sống bà con nơi đây từng bước đi lên.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước