Gia đình ông Thào A Thái là hộ đầu tiên thoát nghèo ở Tà Cóm, ông viết đơn đi 50km xe máy ra xã nộp đơn. (ẢnhThanh Tâm)
Những lá đơn ấy không chỉ đánh dấu sự thay đổi trong tư duy mà còn mở ra hành trình vươn lên đầy mạnh mẽ.
Tự lực vươn lên – Khi người dân chủ động thoát nghèo
Từng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, Mường Lát đã trải qua nhiều năm chìm trong khó khăn. Thế nhưng, trong khoảng một năm trở lại đây, nơi đây đang chứng kiến một sự chuyển mình đầy ấn tượng. Hơn 100 hộ gia đình đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo – một con số không chỉ phản ánh sự thay đổi trong điều kiện kinh tế mà còn là minh chứng rõ rệt cho tinh thần tự lực, tự cường của bà con.
Anh Tặng Văn Sinh (35 tuổi, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu) là một trong những người tiên phong. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cuộc sống của anh gắn liền với nương rẫy, nhưng anh không cam chịu mãi cảnh thiếu thốn. Sau nhiều năm vất vả gây dựng kinh tế, đến nay, anh đã sở hữu một vườn cam rộng 1ha, kết hợp chăn nuôi bò, gà, mỗi năm mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng. Khi thấy gia đình đã đủ vững vàng, anh chủ động viết đơn xin thoát nghèo và còn vận động thêm 8 hộ khác trong bản cùng tham gia.
Những ngôi nhà sàn chênh vênh bên sườn núi giờ có điều kiện đã được các hộ dân xây bằng nhà bê tông kiên cố
Một trong những người hưởng ứng tích cực phong trào này là bà Tặng Thị Chuộng (50 tuổi). "Ngày trước, tôi cũng từng rất khó khăn, nhưng giờ mọi người trong nhà đều có công việc ổn định. Chồng tôi đi làm cà phê thuê, con gái làm công nhân điện tử, còn tôi chăn nuôi, trồng trọt. Khi anh Sinh động viên, tôi thấy mình nên nhường lại sự hỗ trợ của Nhà nước cho những người còn khó khăn hơn mình," bà Chuộng tâm sự.
Sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, gia đình bà tiếp tục nhận được hỗ trợ về cây giống, con giống để mở rộng sản xuất. Đến nay, bà đã có đàn dê hơn 10 con, đàn gà gần 50 con, đàn lợn 5 con – những tài sản quý giá giúp cuộc sống ổn định và phát triển hơn.
Không chỉ ở Quang Chiểu, phong trào thoát nghèo còn lan rộng đến những bản đặc biệt khó khăn như Tà Cóm, xã Trung Lý. Gia đình ông Thào A Thái (50 tuổi), người dân tộc Mông, là một trong những hộ tiên phong tại đây. Nhận thấy không thể mãi phụ thuộc vào sự hỗ trợ, ông quyết định vay vốn đầu tư chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá, mở rộng sản xuất. Có thời điểm, gia đình ông sở hữu hơn 70 con trâu bò – một tài sản đáng giá ở vùng cao.
Năm 2017, sau khi bàn bạc với gia đình, ông Thái vượt 50km đường rừng để đến UBND xã Trung Lý nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo. "Là trưởng bản, lại là đảng viên, tôi phải làm gương. Nếu muốn phát triển, trước hết phải thay đổi tư duy, không thể cứ trông chờ mãi vào Nhà nước," ông Thái khẳng định.
Hành động của ông Thái đã tạo nên một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều hộ gia đình trong bản nhìn vào thành công của ông mà học hỏi, chủ động phát triển kinh tế, dần thoát nghèo.
Ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư huyện Mường Lát phấn khởi chia sẻ về những đổi thay của bà con
Đổi thay từ tư duy – Chìa khóa cho phát triển bền vững
Không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi mô hình kinh tế, người dân Mường Lát còn nhận ra rằng con đường thoát nghèo bền vững chính là đầu tư vào giáo dục. Ngày càng nhiều gia đình khuyến khích con em học hành, mở ra cơ hội mới cho tương lai, thay đổi cuộc sống bằng tri thức.
Sự chuyển mình mạnh mẽ ấy khiến ông Lương Minh Thông, nguyên Bí thư Huyện ủy, không giấu được niềm vui khi nhìn lại chặng đường đổi thay của Mường Lát: "Nếu như trước đây, Mường Lát còn thiếu thốn trăm bề, thì nay bộ mặt huyện đã đổi khác. Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đường sá được bê tông hóa, điện lưới phủ khắp các bản làng, sóng điện thoại đã vươn tới những vùng xa. Nhưng điều đáng mừng nhất chính là sự thay đổi trong ý thức của bà con – họ sống có trách nhiệm hơn, chủ động vươn lên, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước."
Tinh thần đó được thể hiện rõ qua những tấm gương như anh Sùng A Chai (29 tuổi, bản Tà Cóm). Là một trong số ít thanh niên trong bản có cơ hội học đại học, anh Chai quyết định trở về quê hương để gieo mầm tri thức, vừa dạy học vừa phát triển kinh tế gia đình. "Muốn thoát nghèo lâu dài, phải có tri thức. Tôi mong ngày càng nhiều con em trong bản được đi học để có tương lai tốt hơn," anh Chai chia sẻ đầy hy vọng.
Nhìn lại chặng đường vươn lên thoát nghèo của người dân, ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, chia sẻ: "Trước đây, bà con chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, năng suất thấp nên cái nghèo cứ đeo bám. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương, nhiều hộ đã dần thay đổi tư duy. Họ mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt và đặc biệt chú trọng cho con cái học hành để tạo nền tảng vững chắc cho tương lai.
Anh Tặng Văn Sinh là một trong những người tiên phong thoát nghèo bằng chính sức mình.
Theo thống kê của huyện Mường Lát, từ năm 2023 đến nay, đã có hơn 100 hộ viết đơn xin thoát nghèo, tập trung tại các xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Nhờ những nỗ lực chung, đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm đáng kể, chỉ còn 25,85%, thu nhập bình quân đạt 28,9 triệu đồng/năm. Đặc biệt, xã Mường Chanh đã trở thành địa phương đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 1/2025.
Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, nhấn mạnh: "Muốn thoát nghèo bền vững, trước tiên phải thay đổi tư duy. Người dân cần chủ động tìm hướng đi mới thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ. Khi tư duy thay đổi, cuộc sống cũng sẽ đổi thay."
Những lá đơn xin thoát nghèo không chỉ là quyết định của từng hộ gia đình mà còn phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của cả vùng quê nghèo. Đó là biểu tượng của khát vọng vươn lên, là dấu mốc đánh dấu sự thay đổi tư duy, mở ra tương lai mới cho Mường Lát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!